Wednesday, June 12, 2013

Trăn trở công tác tiếp dân

 Nói về việc tiếp dân, là nói đến một sự tương tác, gặp gỡ giữa cán bộ với nhân dân. Nhà nước ta là Nhà nước của dân, do dân, vì dân. Cán bộ chính quyền là người đại diện của dân, được dân trao quyền, là công bộc của dân. Bởi vậy khi dân đến với cán bộ, chính quyền là đến với người đại diện cho mình. 


Oái oăm thay, đó là một thực trạng hiện nay. Người dân đến với các trụ sở tiếp dân, chủ yếu để khiếu nại, tố cáo. Các phòng tiếp dân lập ra chủ yếu cũng lại chỉ giải quyết vấn đề khiếu nại, tố cáo. Năm nào cũng vậy, nghe báo cáo "tình hình khiếu nại, tố cáo vẫn diễn biến phức tạp”, rồi khi phân tích nguyên nhân, nhiều người cũng lại cho rằng, một phần do công tác tiếp dân chưa tốt. Thực tế, nhiều năm qua, tình hình khiếu nại, tố cáo năm nào cũng vẫn nan giải. Năm 2012 và 4 tháng đầu năm 2013, mặc dù có sự cố gắng của các cấp, các ngành, các cơ quan nhà nước đã tiếp đến 498.540 lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo, với 5.378 đoàn đông người; tiếp nhận, xử lý 175.261 đơn thư khiếu nại, tố cáo. So với năm 2011 có giảm về số lượng đơn thư và số vụ việc khiếu nại, tố cáo, nhưng số lượt đoàn đông người lại tăng....Nguyên nhân tình hình khiếu nại, tố cáo thì lại vẫn tựu trung vì cơ chế, chính sách, pháp luật còn có những điểm bất cập; công tác chỉ đạo, điều hành và quản lý nhà nước ở một số địa phương còn yếu kém; công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo còn hạn chế; và ý thức chấp hành pháp luật của người khiếu nại, tố cáo.v.v.


Dự thảo Luật Tiếp công dân đang được đưa ra trên bàn nghị sự của Quốc hội. Cả người dân và cả các cán bộ tiếp dân, các phòng tiếp dân đều mong mọi sự được bàn cho thấu đáo, để có một đạo luật tốt, điều chỉnh xử lý tốt mọi vấn đề liên quan nhất là để giải quyết vấn đề khiếu nại, tố cáo. Đâu là trách nhiệm cụ thể của người trực tiếp tiếp dân, của nhân viên, của lãnh đạo; vấn đề xử lý, giải quyết liên quan đến các đạo luật khác như thế nào cũng cần phải làm rõ...


Trong thực tế, những cán bộ tiếp dân cũng có rất nhiều nỗi khổ. Họ là người phải gánh chịu mọi nỗi bức xúc của dân từ mọi nguồn, mọi hướng. Từ những người dân có trình độ nhận thức cho đến những người đi khiếu nại, tố cáo chỉ theo cảm xúc cá nhân. Không ít những trường hợp công dân đi khiếu kiện với thái độ bức xúc và gay gắt, thậm chí có những hành vi quá khích, thái độ coi thường kỷ cương, bất chấp pháp luật...


Tuy nhiên, cũng không ai hiểu vấn đề, vụ việc bằng người cán bộ tiếp dân, xử lý giải quyết sát vụ việc bằng cán bộ tiếp dân. Vì thế, mọi vụ việc khiếu nại, tố cáo cần được tháo gỡ, giải quyết ngay từ cơ sở. Cán bộ có trách nhiệm ở cơ sở nếu chính là người tiếp dân và giải quyết thì vấn đề sẽ được giải quyết một cách rốt ráo. Với những cán bộ công tâm ở cơ sở, cùng với trách nhiệm, các quy định của pháp luật như Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo và tới đây Luật Hòa giải sẽ giúp cho họ những phương tiện để xử lý. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, như thực tế cho thấy, đã có rất nhiều vụ việc ở cơ sở không được giải quyết, dẫn đến tình trạng khiếu kiện vượt cấp. Lý do do cán bộ tiếp dân, cán bộ có trách nhiệm xử lý ở cơ sở không làm hết trách nhiệm; do trình độ, hoặc bản thân dính vào tiêu cực, tham nhũng, hoặc chính là đối tượng bị tố cáo; liên quan đến khiếu nại... Cũng có một thực tế là, khi lên đến cấp trên, người tiếp dân cũng chỉ nghe, nhận rồi kính chuyển và thông báo. Và các vị lãnh đạo có tiếp dân cũng lại tiếp chỉ để mà tiếp cho có lệ, có hình thức. Ngay tại kỳ họp Quốc hội lần này, Chính phủ cũng đánh giá, một số địa phương triển khai, quán triệt chủ trương, biện pháp chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo chưa đầy đủ, kịp thời, chưa mạnh dạn sửa sai, có trường hợp đùn đẩy. Việc thực hiện Đề án Đổi mới công tác tiếp dân còn chậm. Một số địa phương, bộ ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân, thủ trưởng cơ quan chưa thực sự quan tâm đến công tác tiếp dân, chưa trực tiếp tiếp công dân...


Nếu người cán bộ tiếp dân không có bản lĩnh, trình độ, không công tâm, không có "quyền giải quyết”, "không muốn giải quyết”, vụ việc sẽ lại loanh quanh... khiếu nại, tố cáo kéo dài. Không nên hành chính hóa việc tiếp dân, phòng nọ, ban kia cho đủ ngôi, đủ bệ, rồi lại sẽ phát sinh bộ máy, lãng phí tiền bạc. Vấn đề phải đổi mới công tác tiếp dân, trao quyền thực sự và gắn trách nhiệm cho người trực tiếp tiếp dân, có chế tài mạnh trong việc xử lý trách nhiệm. Trong cơ chế này, có thể người cán bộ tiếp dân thực hiện như cơ chế "một cửa”. Cán bộ tiếp dân phải là người có trình độ, năng lực, có đạo đức, thực sự vì nước, vì dân, phải trực tiếp là người tham mưu hoặc là người có trách nhiệm giải quyết, xử lý. Ví như quy định cho các thủ trưởng đơn vị, như Chủ tịch UBND tỉnh phải xem xét xử lý thông qua công tác tiếp dân. Với công việc hàng ngày, cán bộ tiếp dân, người phụ trách trực tiếp phải xử lý, tham mưu, xin ý kiến; các trường hợp phức tạp, thủ trưởng đơn vị, như Chủ tịch UBND tỉnh, huyện trực tiếp lắng nghe, xử lý. Không nên chỉ quy định một kiểu hành chính như "trực tiếp tiếp dân ít nhất một ngày/tháng”.


Có trực tiếp tiếp dân, thực sự lắng nghe tiếng nói của dân mới thấu hiểu hết tầm quan trọng của công tác tiếp dân - cầu nối giữa dân với Đảng, chính quyền, nơi phản ánh, sự phối hợp, gắn kết, để đảm bảo tốt nhất các quyền của người dân cùng người đại diện của mình. Việc tiếp dân phải gắn trực tiếp với việc giải quyết, nhất là từ cơ sở. Một cán bộ cao cấp của Thanh tra Chính phủ từng tâm sự: trong một vụ khiếu kiện quá kéo dài, mặc dù ông đã ký các quyết định chối bỏ khiếu nại của người dân ấy, nhưng khi dành thời gian ngồi lắng nghe, suy nghĩ, mới thấy hết được vấn đề. Và rồi vụ việc sau đó như cái nút thắt đã được tháo gỡ, người dân thì hớn hở, cán bộ tiếp dân, cán bộ lãnh đạo cũng thấy nhẹ lòng.


Kiên Long

No comments:

Post a Comment