Tuesday, June 11, 2013

Phiếu tín nhiệm thấp thì phải cố gắng hơn

 SGTT.VN - Theo kết quả lấy phiếu tín nhiệm với 47 chức danh chủ chốt do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn được công bố công khai tại hội trường ngày 11.6, người có nhiều phiếu “tín nhiệm thấp” cao nhất là thống đốc ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình.Không có ai bị có phiếu “tín nhiệm thấp” cao tới mức 50%. 

Thống đốc Bình có 209 phiếu “tín nhiệm thấp”, chiếm 41,97%, trong khi số phiếu “tín nhiệm cao” là 88 (17,67%), số tín nhiệm là 194 (38,96%). Xếp trên ông Bình là bộ trưởng Giáo dục và đào tạo Phạm Vũ Luận với 177 phiếu tín nhiệm thấp, chiếm 35,54%; 86 phiếu tín nhiệm cao (17,27%); và phiếu tín nhiệm có 229 (45,98%);

“Kết quả cuối cùng rất tốt”, thể hiện ở việc Quốc hội tin tưởng, đã thông qua nghị quyết với tỷ lệ phiếu rất cao.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có 210 phiếu tín nhiệm cao (chiếm 42,17%), 122 phiếu tín nhiệm (24,5%) và số phiếu tín nhiệm thấp là 160 phiếu, chiếm 32,13%.

Người có số phiếu tín nhiệm cao cao nhất trong Chính phủ là bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh với số tín nhiệm cao là 323, chiếm 64,86%; số phiếu tín nhiệm là 144, chiếm 28,92%; và phiếu tín nhiệm thấp là 13, chiếm 2,61%.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân là người có số phiếu tín nhiệm cao cao nhất trong số 47 người được lấy phiếu, với 372 phiếu tín nhiệm cao, chiếm 74,7%, số phiếu tín nhiệm là 104 phiếu chiếm 20,88%, còn số tín nhiệm thấp là 14 (chiếm 2,81%).

Số phiếu tín nhiệm cao của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng khá cao với tỷ lệ 65,86% tương đương 328 phiếu; số phiếu tín nhiệm là 139 phiếu chiếm 27,91% và tín nhiệm thấp 25 phiếu tức 5,02%.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang có số tín nhiệm cao là 330 phiếu, chiếm 66,27%; số phiếu tín nhiệm là 133 chiếm 26,71% và tín nhiệm thấp là 28 chiếm 5,62%;

Phát biểu sau khi Quốc hội thông qua nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhận xét, đối với những lĩnh vực nóng như ngân hàng, giáo dục, y tế, thì Quốc hội đòi hỏi trách nhiệm cao hơn. “Phiếu tín nhiệm thấp thể hiện sự đòi hỏi nghiêm túc đối với người được lấy phiếu để các vị này có thể hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ được giao”, chủ tịch nói. Cũng theo người đứng đầu Quốc hội, phiếu tín nhiệm cao là sự động viên khích lệ đồng thời là sự đánh giá kết quả đất nước đạt được thời gian qua.

Trước khi Quốc hội thông qua nghị quyết, các đại biểu đã phát hiện có sự không ăn khớp giữa số phiếu theo biên bản kiểm phiếu và số phiếu trong dự thảo nghị quyết đối với các bộ trưởng Nguyễn Minh Quang (Tài nguyên và môi trường), Nguyễn Quân (bộ Khoa học công nghệ) và Nguyễn Bắc Son (bộ trưởng Thông tin và truyền thông). Trưởng ban kiểm phiếu Đỗ Văn Chiến đã nhận lỗi trước Quốc hội về sơ suất này. Còn Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng cũng nhìn nhận: “không việc nào được 10 điểm”, còn việc này việc kia như quản lý thông tin, công tác chuẩn bị…nhưng “kết quả cuối cùng rất tốt”, thể hiện ở việc Quốc hội tin tưởng, đã thông qua nghị quyết với tỷ lệ phiếu rất cao.

Chí Hiếu

Hệ quả đối với người được Quốc hội, Hội đồng nhân dân đánh giá “tín nhiệm thấp”

Người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số đại biểu quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân đánh giá “tín nhiệm thấp” thì có thể xin từ chức. Người có trên hai phần ba tổng số đại biểu quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân đánh giá “tín nhiệm thấp” hoặc hai năm liên tiếp có quá nửa tổng số đại biểu quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân đánh giá “tín nhiệm thấp” thì Ủy ban thường vụ Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân trình Quốc hội, Hội đồng nhân dân bỏ phiếu tín nhiệm theo quy định tại điều 12 và điều 13 của nghị quyết này.

Hệ quả đối với người không được Quốc hội, Hội đồng nhân dân tín nhiệm

Người được đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số đại biểu quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân bỏ phiếu “không tín nhiệm” thì cơ quan hoặc người có thẩm quyền đã giới thiệu người đó để Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn có trách nhiệm trình Quốc hội, Hội đồng nhân dân xem xét, quyết định việc miễn nhiệm, bãi nhiệm hoặc phê chuẩn việc miễn nhiệm, cách chức đối với người không được Quốc hội, Hội đồng nhân dân tín nhiệm.

 (Trích nghị quyết số: 35/2012/QH13 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn) 

Người được lấy phiếu tín nhiệm nói về kết quả

ĐBQH Hà Hùng Cường, bộ trưởng bộ Tư Pháp: “Trách nhiệm người đứng đầu Chính phủ là rất nặng nề”

Là một trong số ít thành viên Chính phủ trả lời phỏng vấn của báo chí sau phiên lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội (QH), bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường đã rất thẳng thắn.

Một số thành viên Chính phủ có số phiếu tín nhiệm chưa cao, ông thấy thế nào?

Tôi nghĩ cũng không phải trách nhiệm cá nhân của từng bộ trưởng đó. Thực ra họ cũng mới nhận nhiệm vụ trong gần hai năm của nhiệm kỳ này thôi, trong khi sự tồn đọng để lại từ nhiều năm rồi là rất lớn. Nhất là trong lĩnh vực ngân hàng, trong điều kiện cơ chế tập trung quan liêu bao cấp của mình. Tôi rất thông cảm và chia sẻ. Đương nhiên là có phần cá nhân. Tôi nói không phải giải trình hộ các đồng chí đó đâu nhưng khó khăn là khách quan. Tài chính, giáo dục, y tế, còn rất khó khăn.

Ông có thể nói gì về hiện tượng số phiếu tín nhiệm cao của khối hành pháp thấp hơn khối tư pháp?

Cái này thì cũng rõ thôi, vì chức trách của đại biểu QH ngoài lập pháp còn giám sát. Cái này rất quan trọng. Đại biểu QH có trách nhiệm theo dõi chỉ đạo điều hành và có lẽ nặng về phía Chính phủ chỉ đạo điều hành, các bộ chỉ đạo điều hành. Cho nên số phiếu thuộc về hành pháp thấp cũng là dễ hiểu.

Số phiếu tín nhiệm dành cho Thủ tướng thấp nhiều cũng là do Thủ tướng phải gánh nặng nhiều vấn đề chung của đất nước? Sang năm tới, việc lấy phiếu, theo bộ trưởng, cần phải rút kinh nghiệm?

Đúng quá chứ còn gì nữa. Có bao nhiêu vấn đề mà trách nhiệm người đứng đầu Chính phủ là rất nặng nề. Trong giai đoạn phải nói là khó khăn nhất kể từ thời kỳ đổi mới, cả khó khăn do nội tại, cả khó khăn do bên ngoài tác động, suốt từ 2010 đến giờ. Cả Thủ tướng, cả Chính phủ đều cần phải cố gắng hơn. Vì Thủ tướng là người đứng đầu, các vị bộ trưởng ở từng lĩnh vực cũng phải chung tay chung lòng cùng với Thủ tướng để tháo gỡ khó khăn.

Nếu kinh tế thế giới tốt lên, nếu kinh tế đất nước chuyển biến rõ rệt thì có thể kết quả bỏ phiếu sẽ khác.

Còn sang năm, câu chuyện đầu tiên tôi cho cần phải xem lại nghị quyết 35 về việc lấy phiếu. Tất nhiên đây là việc thực hiện nghị quyết Trung ương 4 nhưng cũng cần phải xem lấy phiếu đối với chức danh nào. Theo tôi chỉ cần lấy phiếu Chính phủ, các thành viên Chính phủ. Chứ QH lấy phiếu QH cũng không nhất thiết lắm. Cơ chế QH các bạn biết rồi. Đó là nghị trường, đó là nguyên tắc tập thể, các đại biểu QH đều ngang nhau cả. Mọi thứ, sự thể hiện cá nhân rất là không rõ so với Chính phủ. Sự tương tác với các đại biểu QH tính chất cũng khác nhau, mọi sự so sánh đều rất khó.

Có nên áp dụng việc lấy phiếu tín nhiệm và đặc biệt là việc công khai kết quả bỏ phiếu trong Đảng, thưa bộ trưởng?

Trong Đảng đã có quy định, sắp tới sẽ tổ chức lấy phiếu nhưng mức độ công bố đến đâu thì chắc còn chờ hướng dẫn nữa, có thể bắt đầu từ kinh nghiệm của QH. Theo quy định những người lấy phiếu với chức trách bên Nhà nước sẽ thôi lấy phiếu tín nhiệm bên Đảng. Còn chuyện công khai, cá nhân tôi nghĩ phải nên công khai, vì Đảng cũng nắm quyền lực cũng là phục vụ nhân dân. Nếu cũng công khai được như QH thì tốt thôi.

Mạnh Quân (ghi)

Ông Phùng Quốc Hiển, chủ nhiệm ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội

Nên đánh giá công bằng hơn

Ông có bất ngờ khi thấy có một tỷ lệ phiếu không tín nhiệm khá cao đối với một số chức danh thành viên Chính phủ?

Tôi nghĩ có lẽ các đại biểu QH cũng sẽ yêu cầu các thành viên Chính phủ phải cố gắng hơn. Tất nhiên cũng có các đại biểu tôi thấy có lẽ cũng nên đánh giá công bằng hơn, bởi vì việc phát triển kinh tế xã hội của chúng ta vừa qua cũng có bước triển khai tích cực, cũng gặp những khó khăn nhất định. Chính phủ và các thành viên Chính phủ cũng có cố gắng xử lý vấn đề cho đúng tinh thần nghị quyết của QH, qua tổ chức thực hiện có nhiều cái mới. Ví dụ như vấn đề quản lý giá vàng, quản lý ngoại hối cũng đi từ buông lỏng vào chặt chẽ chắc chắn triển khai gặp khó khăn nhất định.

Ở một số vị bộ trưởng không có nhiều phiếu tín nhiệm cao như thống đốc ngân hàng Nhà nước hay bộ trưởng Giáo dục và đào tạo, ông nghĩ họ cần phải làm gì để nâng cao sự tín nhiệm của đại biểu QH?

Chắc chắn cũng giống tôi thôi khi mà có những phiếu tín nhiệm còn thấp thì mình phải cố gắng.

M.Q (thực hiện)

Đại biểu Quốc hội nhận xét

ĐBQH Dương Trung Quốc (Đồng Nai): “Ít nhiều yếu tố cảm tính vẫn chi phối”

Một trong các mục tiêu của việc lấy phiếu này là sự nhắc nhở trách nhiệm, cũng qua đó mỗi vị bộ trưởng, mỗi cương vị nhận thức được vị thế mình đang đảm nhận. Vì thế tôi nghĩ chắc chắn sẽ có tác động tích cực. Thứ hai là tất cả các số phiếu bầu, nhất là tín nhiệm thấp tương đối gần với thực tiễn. Rõ ràng có những vấn đề nổi cộm, có những vấn đề xã hội bức xúc phản ánh ở đây, như trong ngành y tế, giao thông, ngân hàng. Tôi cho đó là những con số đáng được ghi nhận nhưng tôi nhắc lại điều quan trọng nhất lần đầu tiên này chính là tính minh bạch.

Ngay cả về tỷ lệ phiếu tín nhiệm cho Thủ tướng thì tôi cũng không bất ngờ vì phản ánh đời sống của chúng ta, chúng ta đang đứng trước những thách đố rất lớn, có những cái Thủ tướng và Chính phủ vượt qua được, có những cái chưa đáp ứng yêu cầu của người dân, tôi nghĩ thế là sòng phẳng. Chứ tôi nghĩ, chính những người nào thực sự đang tác động vào đời sống thì phiếu phản ánh đúng hơn. Bởi vì có những người ở vị trí ít người quan tâm, người ở những vị trí mũi nhọn thì sự đánh giá khác nhau, tôi cho là thường tình.

Còn về việc rút kinh nghiệm qua kỳ này, cái tôi băn khoăn nhất với tư cách người phải thể hiện quan điểm của mình là (cần phải có) phương tiện để chúng tôi có thể nắm bắt thông tin đầy đủ hơn. Tôi nghĩ ít nhiều yếu tố cảm tính vẫn chi phối, một phần cũng là đặc tính của người dân mình. Tôi nghĩ chúng ta khắc phục dần trong quá trình thực hiện, kỹ năng của đại biểu QH là thể hiện quyền của mình, và quyền đó là người dân giao phó.

ĐBQH Ngô Văn Minh (Quảng Nam): “Không bất ngờ về kết quả lấy phiếu tín nhiệm”

Kết quả lấy phiếu cũng cho thấy, trong 22 bộ của chúng ta thì nó cũng ít nhiều phản ánh câu chuyện chúng ta thường nói: ít làm thì ít khuyết điểm, không làm thì không khuyết điểm. Nhưng mà trách nhiệm của mỗi bộ trưởng qua lần bỏ phiếu này là phải kịp thời chấn chỉnh quá trình điều hành quản lý từng bộ ngành của mình cho tốt hơn. Trong 22 bộ có những bộ có lĩnh vực phạm vi hoạt động hẹp và không tác động trực tiếp đến người dân, ít gây ra bức xúc, lĩnh vực nhạy cảm thì rõ ràng thể hiện qua lá phiếu.

Tôi cũng không thấy có bất ngờ với kết quả hôm nay. Mấy hôm trước khi lấy phiếu tín nhiệm, tôi đã nghĩ là không có ai bị quá bán số phiếu tín nhiệm thấp. Thứ hai có một số lĩnh vực bộ ngành nhạy cảm liên quan trực tiếp đến người dân vừa rồi dư luận xã hội người ta cũng đã có những thông tin đấy rồi thì có ảnh hưởng tới đến việc bỏ phiếu, theo tôi thì ít nhiều cũng đã phản ánh đúng thực chất.

Với các chức danh không đạt nhiều phiếu tín nhiệm cao, tôi chắn chắn là đại biểu có nhiều suy nghĩ, mong muốn qua lá phiếu này, lần bỏ phiếu này thì họ cũng nên nghiên cứu để kịp thời điều chỉnh, chấn chỉnh để quá trình lãnh đạo điều hành tốt hơn. Hy vọng là như thế và mục đích của lần lấy phiếu này cũng như thế để cho bộ máy chúng ta vận hành trơn tru hơn, hiệu quả đáp ứng được nguyện vọng của đại biểu, của nhân dân của đất nước.

Mạnh Quân – Việt Anh (thực hiện)


Nguồn: sgtt.vn

Link: http://sgtt.vn/thoi-su/178528/phieu-tin-nhiem-thap-thi-phai-co-gang-hon.html

No comments:

Post a Comment