Wednesday, June 12, 2013

Từ thiện xuyên biên giới…

 Hai tháng qua, đoàn thầy thuốc tình nguyện của Hội Chữ thập đỏ TPHCM đã 3 lần đến nước bạn Campuchia để khám, chữa bệnh, phát thuốc miễn phí cho 4.393 đồng bào nghèo nước bạn và bà con Việt kiều đang sinh sống nơi đây. Tổng kinh phí thực hiện chương trình 290 triệu đồng do các nhà hảo tâm đóng góp. 

Khám bệnh cho dân nghèo Campuchia.

Được sự chấp thuận của Thành hội Hội Chữ thập đỏ TPHCM, đoàn thầy thuốc tình nguyện Hội Chữ thập đỏ TPHCM sang huyện Lock Đék (tỉnh Kandal, Campuchia) khám, chữa bệnh cho 1.600 người dân địa phương (nhưng thực tế số người đến khám lên tới 2.600 người). Đáp ứng nhu cầu cho việc khám, chữa bệnh và phát thuốc với số lượng bệnh nhân nhiều như vậy quả là điều không đơn giản, nhất là việc vận động các nhà hảo tâm, mạnh thường quân đóng góp. Thế nhưng, qua thư ngỏ của bà Ly Sokha, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Lock Đék, các thành viên đoàn từ thiện đã thấu hơn sự cần được giúp đỡ của những người dân nghèo nơi đây. Và điều đó đã thôi thúc họ lên đường.

Khi đoàn từ thiện đến nơi khám bệnh, ai cũng cảm động vì đích thân bà Phó Thủ tướng thường trực Vương quốc Campuchia Men Sam On cùng các quan chức cấp cao trong chính phủ ân cần tiếp đón. Đây là sự thể hiện một nghĩa cử chan chứa tình hữu nghị, tình cảm sâu sắc giữa 2 dân tộc. Cũng chính điều này khiến đoàn từ thiện không thể khước từ lời mời của bà So Van Na, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Svay Riêng, để sau đó 5 ngày, đoàn lại tiếp tục lên đường sang nước bạn khám, chữa bệnh cho 1.393 người dân Svay Riêng. Đoàn cũng rất cảm động khi được ông cố vấn của Chủ tịch Quốc hội Vương quốc Campuchia và các vị lãnh đạo tỉnh Svay Riêng nhiệt tình tiếp đón.

Lại một lần nữa, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Tây Ninh (Việt Nam) được mời sang Kampong Cham để khám bệnh cho 400 người dân nghèo nơi ấy. Làm sao quên được hình ảnh của bà con Campuchia, dù không nói được tiếng Việt nhưng chúng tôi nhìn thấy nhiều người với nụ cười chân thật, trên tay cầm gói thuốc, uống rồi quyến luyến cầm tay các bác sĩ nói hai tiếng “or kun” (cảm ơn). Điều này đã giúp các bác sĩ trong đoàn từ thiện quên hết cái nóng bức của thời tiết tháng 5 khắc nghiệt mà nơi khám bệnh lại không có điện. Đã vậy, số lượng bệnh nhân càng lúc càng đông. Các y bác sĩ vẫn vui vẻ, tươi cười và cố gắng khám đến bệnh nhân cuối cùng mới thôi.

Kỷ niệm đáng nhớ nhất trong chuyến đi là hình ảnh của bà Ai Sa Mon mộc mạc, chân tình ở huyện Svay Chrum, tỉnh Say Riêng. Bà Ai Sa Mon nói tiếng Việt rất rành, vì chồng bà là ông Nguyễn Hoàng Giang quê ở Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang. Hai người kết hôn năm 1970 khi ông đi bộ đội ở C30 sang Campuchia làm nghĩa vụ quốc tế. Có được 5 người con, ông mất năm 1984, bà Ai Sa Mon nói bà thế nào cũng phải về thăm quê chồng, nhất là để các con biết quê cha và bà con họ hàng thân thuộc Việt Nam. Còn em Phan Duy Tân, con của một gia đình Việt kiều sang đây lập nghiệp đã lâu, cuộc sống ổn định, hiện là sinh viên khoa Quản trị kinh doanh Trường Đại học Kinh tế tỉnh Svay Riêng. Nhân đoàn bác sĩ sang công tác từ thiện, Phan Duy Tân tình nguyện làm thông dịch. Em Tân tâm sự: “Em rất nhớ Việt Nam, làm sao quên được quê hương xứ sở”.

Bà con sau khi được khám bệnh, phát thuốc rồi mà vẫn không chịu về, mọi người còn nán lại để tiễn đoàn. Xe từ từ lăn bánh đưa đoàn từ thiện quay về Việt Nam. Những cái vẫy chào “chum reap lia” (chào tạm biệt) đầy lưu luyến, với nụ cười tươi vui thân thiện hẹn ngày gặp lại sao mà thân thương quá! Những người thầy thuốc Việt Nam cũng bùi ngùi không ít. Không hẹn mà ai cũng chợt thấy lòng mình lưu luyến, thế nào cũng phải trở lại Campuchia!

 NGÂN MINH 


No comments:

Post a Comment