Sunday, June 16, 2013

Hòa thượng Thích Quảng Đức và lá đơn bị bác

 TP - Nửa thế kỷ đã trôi qua từ ngày Hòa thượng Thích Quảng Đức vị pháp vong thân vì một xã hội từ bi bác ái bình đẳng và giàu văn hóa.
Hình ảnh sư Thích Quảng Đức của phóng viên ảnh Malcolm Browne. 

Hình ảnh sư Thích Quảng Đức của phóng viên ảnh Malcolm Browne.

Tuần vừa rồi một hội thảo khoa học 50 năm về phong trào đấu tranh Phật giáo được tổ chức đúng vào ngày hòa thượng viên tịch. Nhiều nhà nghiên cứu, và các vị cao tăng ni đã cùng có mặt để hồi tưởng về bậc trưởng thượng đã vinh danh cho Phật pháp Việt Nam trong thời hiện đại.

 Vị cao tăng ẩn dật đưa đơn  

Hòa thượng Thích Quảng Đức là một vị cao tăng ẩn dật, ít người biết đến tên ông. Hòa thượng Thích Đức Nghiệp, Phó pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam, một trong số nhân chứng hiếm hoi còn lại kể với phóng viên Tiền Phong: “Trong những ngày đấu tranh căng thẳng giữa Phật giáo với chế độ gia đình trị Ngô Đình Diệm, một hôm tôi đại diện cho giáo hội tiếp một vị hòa thượng tới gặp. Vị này đưa ra một lá đơn. Tôi đọc mới biết hòa thượng muốn được tự thiêu để bảo vệ Phật pháp và hòa bình. Đó cũng là lần đầu tiên tôi gặp hòa thượng Thích Quảng Đức”.

Hòa thượng sinh năm 1897 tại xã Vạn Khánh, Vạn Ninh, Khánh Hòa, con của các cụ Lâm Hữu Ứng và Nguyễn Thị Nương. Tên ở nhà của sư là Lâm Văn Tuất. Sau đó, sư được cậu ruột nhận làm con nuôi nên đổi tên họ thành Nguyễn Văn Khiết.

7 tuổi người đã được gia đình cho xuất gia. Năm 20 tuổi sư được thọ giới Tỳ Kheo được ban pháp danh Thị Thủy, pháp tự Hạnh Pháp, pháp hiệu Quảng Đức.

Sư lên một ngọn núi ở Ninh Hòa nhập thất ba năm ròng, sau lập ở núi này một chùa đặt tên Thiên Lộc tự. Sư xuống núi vân du khất thực 2 năm ròng rồi mới vào chùa nghiền ngẫm thêm kinh sách.

Năm 1932, Hội An Nam Phật học ra đời, đại lão hòa thượng Hải Đức đã tìm đến tận thất để mời sư nhận chức Chứng minh đạo sư cho chi hội Khánh Hòa.

Bấy giờ trong thời đạo Phật bị chính quyền thực dân Pháp coi rẻ và đàn áp, thời gian sư ở miền Trung đã đi tu sửa xây dựng được 14 ngôi chùa, góp phần không nhỏ trong công cuộc chấn hưng Phật giáo. Sư cũng mấy năm qua tới Campuchia và Lào để mở mang chùa chiền, sưu tầm kinh sách. Riêng Campuchia sư ở lại tới ba năm.

Năm 1953, khi phong trào chấn hưng Phật giáo lại được đẩy mạnh, sư được mời giữ chức Phó trị sự và Trưởng ban nghi lễ Giáo hội Tăng già Nam Việt đồng thời chủ trì chùa Phước Hòa ở Sài Gòn – trụ sở đầu tiên của Hội Phật học Nam Việt. Tuy nhiên, năm 1958 hòa thượng đã xin từ nhiệm công việc rường cột của giáo hội để tập trung vào việc tu niệm.

 Lá đơn không được chấp thuận  

Năm 1963, khi phong trào đấu tranh Phật giáo lên tới đỉnh điểm, hòa thượng Quảng Đức 66 tuổi, là một trong những vị trưởng lão khả kính bậc nhất, mặc dù ẩn dật. Khi tiếp nhận lá đơn xin tự thiêu của hòa thượng, sư Đức Nghiệp kể: “Tôi cúi đầu cảm tạ hòa thượng và hứa sẽ đưa đơn lên cho toàn bộ lãnh đạo giáo hội xem xét”. Nhận được lá đơn, các vị cao tăng đều sửng sốt và cảm động, bởi công đức và vị trí của hòa thượng Quảng Đức trong lòng mọi người rất lớn.

Vài ngày sau đó, vị Trị sự trưởng của Giáo hội Tăng già là thượng tọa Thích Tâm Giác đã viết một lá thư cám ơn ý nguyện của hòa thượng Quảng Đức, đồng thời thẳng thừng từ chối nguyện vọng tự thiêu của Hòa thượng Quảng Đức.

Bức thư từ chối nguyện vọng của sư, có đoạn viết: “Giáo hội rất cảm thông trước ý chí cao đẹp ấy. Nhưng trên nguyên tắc Pháp lý (Luật Phật đã định cũng như Luật Pháp thế gian) Giáo Hội không thể chấp nhận điều thiện nguyện thiêu đốt thân xác của Đại đức được. Vậy xin Đại đức hoan hỷ và cầu chúc Đại đức vô biên an lạc. Trân trọng kính chào Đại đức. Thượng tọa Thích Tâm Giác ký tên”.

Nhẽ ra nhận được thư ấy, hòa thượng nên quay lại thất để tu hành. Song, theo sư Đức Nghiệp kể lại với chúng tôi: “Hòa thượng vẫn giữ nguyện vọng cúng dường thân xác để bảo vệ tăng ni, nên ngài trú nhờ tại một ngôi chùa, tụng niệm kinh Pháp Hoa bất chấp mọi lời bàn tán ra vào”. Chính hành động quả quyết của hòa thượng khiến người ta phải suy ngẫm kỹ về lá đơn của hòa thượng.

“Đơn xin thiêu thân” của sư đề ngày 27/5/2013 có viết: “Hơn một thế kỷ nay, nhất là trong giai đoạn hiện tại, Phật giáo Việt Nam luôn nằm trong tình trạng hỗn mang, bi thảm đau thương: nào bị đàn áp, nào bị đối xử bất công, ngược đãi… Phật giáo đồ bị bức bách khuynh loát một cách trắng trợn, có nơi bị chôn sống, bị tù đày, có nơi bị cản trở ngăn cấm cả về hành đạo, tu tập, tụng niệm”.

Sư rất đau lòng trước cảnh ngộ bấy giờ, với nền chính trị thần quyền lấy tôn giáo để đàn áp tôn giáo của chính quyền Diệm – Nhu: “máu Phật tử đã chảy, xương thịt Phật tử đã nát tan trước họng súng bạo tàn của kẻ độc ác, vô nhân đạo” (Trích đơn). Cuối cùng, sư viết: “Xin quý Thượng tọa chấp thuận, chuyển tới toàn thể tín đồ lời ước nguyện cuối cùng của chúng tôi: “Phật tử chúng ta hãy tự nguyện tự giác, bền chí với sứ mạng duy trì Cánh pháp và bảo vệ lá cờ Phật giáo”.

 Thắp lên ngọn lửa hòa bình  

Sáng 11/6/2013, tại Khu du lịch Phương Nam tỉnh Bình Dương, Học viện Phật giáo Việt Nam tại TPHCM và Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM đã khai mạc hội thảo khoa học với chủ đề “50 năm phong trào Phật giáo ở miền Nam (1963-2013) thu hút 50 tham luận và hơn 200 đại biểu tham dự. Hội thảo khoa học được tổ chức đúng ngày Bồ Tát Thích Quảng Đức tự thiêu.

PGS TS Võ Văn Sen - Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH &NVQG TPHCM trong diễn văn khai mạc hội thảo ôn lại: “Năm mươi năm trước , đúng ngày này, 11/6/1963, giữa lòng thành phố Sài Gòn đã diễn ra một sự kiện làm chấn động cả nước và làm xúc động hàng triệu triệu con người khắp thế giới này: Hòa thượng Thích Quảng Đức đã tự nguyện thiêu thân để bảo vệ Phật pháp và nhằm thức tỉnh chính quyền Ngô Đình Diệm”.

Hòa thượng Thích Đức Nghiệp, Phó pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam kể với chúng tôi sự việc dẫn đến sự thay đổi quyết định của giáo hội: “Một thời gian sau, chế độ bấy giờ tiếp tục gia tăng sự đàn áp với phong trào Phật giáo, nhiều người bị giết, bị cầm tù. Một nguồn tin cho chúng tôi biết chế độ Ngô Đình Diệm kiên quyết tiêu diệt phong trào đấu tranh của Phật giáo. Trước tình hình nguy cấp này, tất cả chúng tôi nhớ tới lá đơn của hòa thượng. Tôi được cử tới ngôi chùa hòa thượng đã nương trú. Tôi hỏi: Tình hình quá nguy cấp, chính quyền sắp đàn áp lớn. Hòa thượng còn giữ ý định cúng dường thân thể của mình không? Hòa thượng nghe xong, nói: Tôi vẫn giữ ý định của mình”.

Sư Đức Nghiệp dặn “Hòa thượng đêm nay không ra ngoài”, cắt cử mấy người bảo vệ cho hòa thượng, còn bản thân mình về lo việc chọn địa điểm, mua xăng, mời các nhà báo đến chứng kiến. “Các báo quốc gia hầu như không đưa tin phong trào đấu tranh nên chúng tôi quyết định mời các phóng viên nước ngoài” – sư Đức Nghiệp kể lại.

Sáng 11/6/1963 ngọn lửa vị pháp vong thân của hòa thượng Quảng Đức do chính nhà sư thắp lên, đã cháy rực bên ngoài Đại sứ quán Campuchia tại Sài Gòn. Hòa thượng đã tọa thiền trong ngọn lửa cháy rực. Khi lửa tàn, thay vì đổ gục người ra trước, nhà sư đã ngả người ra phía sau, như ngả mình trên một phiến đá nơi thâm sơn cùng cốc.

Ngọn lửa đấu tranh bất bạo động của sư Thích Quảng Đức đã “chiếu rọi” không chỉ ở Việt Nam mà khắp nhiều nơi trên thế giới. Riêng với Campuchia, ngay ngày 13/6 nước này đã có công hàm phản đối việc đàn áp Phật giáo. Chính phủ Campuchia đã cho rằng: “Chỉ có Hitler trước đây mới dám phạm những tội ác như vậy” (Dẫn theo tài liệu “Pháp nạn Phật giáo 1963, nguyên nhân bản chất và tiến trình - Nxb Hồng Đức 2013). Hàng loạt các nước có Phật giáo trên thế giới cùng lên tiếng bảo vệ Phật giáo Việt Nam như Ấn Độ, Myanmar, Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc...

Trong “Lời nguyện tâm quyết” viết bằng chữ Nôm với chính thủ bút của hòa thượng Thích Quảng Đức, bốn điều tâm nguyện của ông, điều cuối cùng là “Cầu nguyện cho đất nước thanh bình, quốc dân an lạc”.

Tờ báo Le Monde đã bình luận trong số ra ngày 13/6/1963: “Trước hành động tự sát để đấu tranh, kẻ tàn bạo nhất cũng phải chùn bước”.

Tờ báo Le Monde đã bình luận trong số ra ngày 13/6/1963: “Trước hành động tự sát để đấu tranh, kẻ tàn bạo nhất cũng phải chùn bước”.

Trần Nguyễn Anh


Nguồn: www.tienphong.vn

Link: http://www.tienphong.vn/xa-hoi/632185/hoa-thuong-thich-quang-duc-va-la-don-bi-bac-tpp.html

Ngư dân Trà Vinh liên kết, hợp tác khai thác trên biển

 (VOV) -Tỉnh Trà Vinh đang đẩy mạnh vận động ngư dân trên địa bàn khai thác theo nhóm, tổ hợp tác. 

Theo Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Trà Vinh, hiện trên địa bàn có trên 1.350 tàu khai thác hải sản, tổng công suất gần 74.000 CV; trong đó có gần 200 tàu đánh bắt xa bờ.

Trên tinh thần tự nguyện, đến nay toàn tỉnh đã thành lập được 39 tổ, với 159 tàu tham gia, chủ yếu là tàu đánh bắt xa bờ có công suất từ 90 CV trở lên.

Các tổ hợp tác này hoạt động theo nội quy, quy chế cụ thể và hỗ trợ nhau trong việc phòng tránh bão, tìm kiếm cứu nạn.

Đặc biệt, các tổ đội hỗ trợ nhau rất tốt trong việc tìm kiếm ngư trường, tiếp tế nhiên liệu, tiêu thụ sản phẩm…, từ đó góp phần giảm chi phí, tăng lợi nhuận mỗi chuyến đi biển khoảng 20 - 25%, đồng thời còn tham gia tốt việc bảo vệ ngư trường, bảo vệ an ninh, chủ quyền biển đảo./.


Nguồn: vov.vn

Link: http://vov.vn/xa-hoi/ngu-dan-tra-vinh-lien-ket-hop-tac-khai-thac-tren-bien/266703.vov

Khai mạc Diễn tập Quân đội các nước ASEAN về hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa

 QĐND Online - Ngày 16-6, tại căn cứ hải quân Mua-ra (nước Bru-nây) đã khai mạc Diễn tập Quân đội các nước ASEAN về hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa lần thứ hai với sự tham gia của 10 nước thành viên do 2 nước Xinh-ga-po và Bru-nây đồng chủ trì. 

 Xinh-ga-po và Bru-nây là 2 nước đồng chủ trì diễn tập 

Cuộc diễn tập lần này nhằm chia sẻ kinh nghiệm giữa quân đội các nước ASEAN trong hoạt động hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa.

 Đại biểu dự diễn tập 

Diễn tập diễn ra dưới hình thức hội thảo và diễn tập sa bàn. Trong phần hội thảo, có 6 tham luận của các nước: Bru-nây, In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a, Phi-lip-pin, Thái Lan và Việt Nam trình bày các vấn đề về: Vai trò của Trung tâm Quản lý thảm họa quốc gia trong cơ chế Hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa quốc gia, Diễn tập ARF DiREx lần thứ nhất tại Manado năm 2011, Vai trò quân đội Phi-lip-pin trong hoạt động HADR và phối hợp quốc gia, Kinh nghiệm quốc gia trong đối phó với nạn lụt, Kinh nghiệm của Quân đội nhân dân Việt Nam trong hoạt động hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa.

 Đại biểu Việt Nam trao đổi tại diễn tập 

Tại hội thảo, đại diện Quân đội nhân dân Việt Nam đã phát biểu khẳng định vai trò quan trọng của ASEAN trong điều phối, sử dụng lực lượng tham gia hoạt động ứng phó với thảm họa thiên tai. Việt Nam đã chuẩn bị đầy đủ cơ sở pháp lý phối hợp với các nước ASEAN trong hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa.

Do diễn tập AHX-2 diễn ra đúng với diễn tập ADDMM+HADR/MM EX tại Bru-nây nên nội dung diễn tập sa bàn dựa trên tình huống bão lụt trong hoạt động của ADDMM+ để các nước tập trung xử lý. Diễn tập diễn ra trong ngày 16-6.

 Tin, ảnh: TRẦN VĂN THÔNG   (từ Bru-nây) 


Nguồn: www.qdnd.vn

Link: http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/61/43/4/37/37/247504/Default.aspx

Mất điện, hàng ngàn khách kẹt tại sân bay Tân Sơn Nhất

 Sự cố mất điện xảy ra vào 13h chiều nay và đã được khắc phục một phần, nhưng hệ thống máy tính chưa làm việc khiến hàng ngàn khách phải chờ làm thủ tục check-in bằng tay. 

Cơn mưa lớn chiều ngày 16/6 đã khiến Cảng hàng không Tân Sơn Nhất gặp sự cố mất điện từ 13h. Đến 14h, Nhờ sử dụng máy nổ, hệ thống điện của sân bay đã được khôi phụcnhưng hệ thống máy tính phục vụ check-in vẫn chưa làm việc trở lại.

Theo một hành khách tại sân bay, hàng ngàn khách đã bị kẹt lại sau một giờ xảy ra sự cố mất điện hy hữu này. Hiện các hành khách đang phải xếp hàng chờ nhân viên sân bay thực hiện thủ tục check-in bằng tay, trong khi nhiều người khác chờ lấy hành lý. Rất nhiều chuyến bay đến và đi tại sân bay này đã bị trễ hàng tiếng đồng hồ.

Đây không phải là lần đầu tiên sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất gặp sự cố mất điện. Vào tháng 4/2011, trận mưa lớn kèm sấm sét xảy ra đồng thời với việc cúp điện lưới thành phố lúc đã gây trục trặc kỹ thuật cho hệ thống phân phối điện tự động tại nhà ga hành khách quốc tế Tân Sơn Nhất. Thời gian gián đoạn toàn bộ hệ thống chiếu sáng tại nhà ga hành khách quốc tế Tân Sơn Nhất thực tế chỉ xảy ra trong vòng từ 5 đến 7 phút và thời gian khắc phục hoàn toàn sự cố và chỉ có 2 chuyến bay bị trễ giờ trong 15 phút.

Hình ảnh về sự cố mất điện tại Tân Sơn Nhất:

Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất trong cảnh mất điện.

Đến 14h, hệ thống điện chiếu sáng đã được khôi phục, nhưng máy tính vẫn chưa thể làm việc trở lại.

Trong khi nhiều hành khách làm chờ làm thủ tục check-in thì không ít người khác phải chờ để lấy hành lý.

Vé máy bay viết tay của hành khách làm thủ tục check-in chiều ngày 16/6 tại sân bay Tân Sơn Nhất.

Hạ Minh

Theo Infonet


Nguồn: news.zing.vn

Link: http://news.zing.vn/kinh-doanh/mat-dien-hang-ngan-khach-ket-tai-san-bay-tan-son-nhat/a328096.html

Tặng bằng khen gần 300 cá nhân trong phong trào hiến máu tình nguyện

 (CAO) Nhân kỷ niệm Ngày thế giới tôn vinh người hiến máu tình nguyện, ngày 15 - 6, Ban chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện TP.HCM tổ chức lễ sơ kết công tác vận động hiến máu tình nguyện 6 tháng đầu năm 2013 và lễ tôn vinh người hiến máu tình nguyện năm 2013. Dịp này, UBND TP đã tặng bằng khen cho 291 cá nhân điển hình tham gia và vận động hiến máu tình nguyện. 

Theo Ban chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện, từ đầu năm đến nay TP.HCM đã vận động được gần 82.500 đơn vị máu, đạt hơn 45% chỉ tiêu năm 2013; tỉ lệ máu sạch đạt 97,5%; tỷ lệ người hiến 350ml - 450ml/lần chiếm hơn 60%. Trong 3 tháng cao điểm hè 2013, TP phấn đấu vận động khoảng 40.000 đơn vị máu để hưởng ứng Chiến dịch Hành trình Đỏ lần thứ I do Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và Ban chỉ đạo quốc gia vận động hiến máu tình nguyện phát động.


 Nhiều tấm gương sáng trong phong trào hiến máu tình nguyện được tôn vinh 

Trước đó, Ban Chỉ đạo Quốc gia vận động hiến máu tình nguyện cũng tổ chức lễ tôn vinh 100 người hiến máu tình nguyện tiêu biểu năm 2013 và kỷ niệm ngày “Thế giới tôn vinh người hiến máu” (14-6) với thông điệp “Mỗi giọt máu cho đi - một cuộc đời ở lại”.

Ông Nguyễn Hải Đường, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Phó Chủ tịch Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia vận động hiến máu tình nguyện cho biết: “Trong 100 người được tôn vinh, có nhiều người đã hiến máu hàng chục lần như anh Phạm Thanh Liêm (Tây Ninh) 51 lần hiến máu, bác Nguyễn Phương (Khánh Hòa) 44 lần và vận động 350 người khác cùng hiến máu, bác Lê Đình Duật (Hà Nội) 13 năm vận động người thân hiến gần 300 đơn vị máu...”.

Cũng theo Ban Chỉ đạo Quốc gia vận động hiến máu tình nguyện, năm 2012 cả nước vận động và tiếp nhận được hơn 912.000 đơn vị máu. Trong đó, lượng máu từ người hiến máu tình nguyện đạt 88%.


Nguồn: www.congan.com.vn

Link: http://www.congan.com.vn/?catid=681&id=497349&mod=detnews&p=

Xem đặc công luyện nhảy dù chống khủng bố

 (NLĐO)- Bộ đội đặc công đặc biệt tinh nhuệ không chỉ “xuất quỷ, nhập thần” và “luồn sâu, đánh hiểm” mà còn “đi mây, về gió” hiệp đồng tác chiến cơ động, đổ bộ đường không để sẵn sàng chống khủng bố, cứu hộ, cứu nạn... 

Bộ đội đặc công luyện tập nhảy dù chống khủng bố, cứu nạn và cứu hộ

Ngày 15-6, tại Sân bay Hòa Lạc (Sơn Tây - Hà Nội), Binh chủng Đặc công - lực lượng chiến đấu đặc biệt tinh nhuệ của Quân đội nhân dân Việt Nam - đã tổ chức thực hành nhảy dù cho lực lượng chiến đấu viên của Đoàn 1 biệt động, Đoàn đặc công 113 và Trường sĩ quan Đặc công.

Trong yêu cầu nhiệm vụ mới, bộ đội đặc công không chỉ “luồn sâu, đánh hiểm”, “xuất quỷ, nhập thần” mà còn phải triển khai phương thức cơ động, tác chiến mới “đi mây, về gió”, hiệp đồng tác chiến cơ động, đổ bộ đường không sẵn sàng chống khủng bố và cứu hộ, cứu nạn...

Thiếu tướng Trịnh Xuân Chuyền, Chính ủy Binh chủng Đặc công trực tiếp chỉ đạo buổi huấn luyện, cho biết trước yêu cầu nhiệm vụ mới, Binh chủng Đặc công đã được Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ huấn luyện dù cho một bộ phận chiến đấu viên, sẵn sàng tham gia chống khủng bố và tìm kiếm cứu nạn.

Tuy thời gian huấn luyện chưa dài, song kỹ thuật nhảy dù của các chiến đấu viên đã đạt yêu cầu đặt ra, trong điều kiện mang theo nhiều vũ khí, trang bị khác nhau.

Theo Đại tá Nguyễn Thành Cải, Phó tư lệnh Binh chủng Đặc công, thì với phương thức tác chiến mới này, lực lượng đặc công dù có thể cơ động nhanh, có mặt kịp thời và nhanh chóng triển khai nhiệm vụ tại khu vực có tình huống xảy ra.

Trong thời gian tới, Binh chủng Đặc công sẽ tổ chức huấn luyện nhảy dù cho lực lượng chiến đấu viên này trên nhiều điều kiện địa hình và trong các điều kiện thời tiết khác nhau, sát với nhiệm vụ thực tế.

Sau đây là cận ảnh về buổi tập luyện nhảy dù của bộ đội đặc công .


Chiến sĩ đặc công Phạm Quang Huy kiểm tra trang thiết bị và vũ khí trước khi lên máy bay


Đội hình đã sẵn sàng lên máy bay


Các chiến sĩ đặc công lần lượt lên máy bay trực thăng


Máy bay cất cánh lúc bình minh vừa ló rạng


Chiến sĩ đặc công tập trung trước khi đến địa điểm nhảy dù


Khuôn mặt chiến sĩ đặc công qua ô cửa máy bay


Sĩ quan kiểm tra lần cuối trước khi nhảy dù


Đội hình xếp hàng lần lượt ra cửa máy bay


Buông mình vào khoảng không lúc bình minh


Dù bung ra ngay sau khi chiến sĩ đặc công rời máy bay


Hướng tới mục tiêu dưới dưới mặt đất


Giữ đội hình ngay sau khi rời khỏi máy bay


Đội hình bộ đội đặc công trên không trung


Chiến sĩ đặc công nhảy dù dưới ánh sáng bình minh


Đội hình được giữ vững cho tới khi tiếp đất


Sẵn sàng tiếp đất...


Cận cảnh chiến sĩ đặc công sắp tiếp đất


... và tiếp đất an toàn

Nhanh chóng thu dù ngay sau khi tiếp đất


Phi công điều khiển máy bay về sân bay


Thiếu tá Đặng Thành Chung, sĩ quan dù của Quân chủng Phòng không-Không quân, trở về sân bay
sau khi đã hướng dẫn các chiến sĩ đặc công thực hành luyện tập nhảy dù


Các sĩ quan dù của Quân chủng Phòng không-Không quân sau khi hoàn tất buổi huấn luyện
lực lượng đặc công nhảy dù chống khủng bố, cứu hộ, cứu nạn

Nguồn: nld.com.vn

Link: http://nld.com.vn/20130616014032531p0c1002/xem-dac-cong-luyen-nhay-du-chong-khung-bo.htm

Xây dựng biện pháp giảm nghèo bền vững

 (Chinhphu.vn) - 100 đại biểu đại diện của Bộ ngành, cơ quan Trung ương, đại diện một số tỉnh, thành phố và các tổ chức quốc tế thảo luận về việc xây dựng Bộ tiêu chí “ Nghèo đa chiều” để áp dụng tại Việt Nam . 

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: VGP/Minh Trang

Trong 2 ngày 15-16/6, tại TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội phối hợp với Cơ quan LHQ tại Việt Nam và Đại sứ quán Ireland đã tổ chức hội thảo “Nghèo đa chiều” nhằm xác định, phân loại các đối tượng nghèo để tạo lập phương pháp giảm nghèo triệt để và hiệu quả nhất.

“Nghèo đa chiều” là một chuẩn nghèo đang được áp dụng trong việc giảm nghèo tại nhiều nước nhưng là một khái niệm khá mới mẻ đối với Việt Nam.

Theo đó, “Nghèo đa chiều” là tình trạng thiếu hụt về mặt kinh tế, tức thu nhập bình quân nằm dưới chuẩn nghèo, và ít nhất thiếu gụt một trong các nhu cầu xã hội thiết yếu như: giáo dục, y tế, an sinh xã hội, nhà ở, dịch vụ cơ bản tại nơi ở, lương thực, thực phẩm.

Hội thảo đã giới thiệu và thảo luận về việc xây dựng Bộ tiêu chí “ Nghèo đa chiều” để áp dụng tại Việt Nam. Thông qua đó, người nghèo sẽ được chia ra làm nhiều nhóm theo độ tuổi theo các chuẩn nghèo đa chiều, từ đó Nhà nước và các tổ chức giảm nghèo sẽ có chính sách, biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho người nghèo một cách thiết thực, triệt để và đạt hiệu quả nhất.

Ông Ngô Trường Thi, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội, Chánh Văn phòng điều phối Chương trình giảm nghèo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, để áp dụng bộ tiêu chí nói trên ở Việt Nam, sau năm 2015, Nhà nước cần tiến hành một số hoạt động như: xây dựng Luật An sinh xã hội làm căn cứ pháp lý cho công tác giảm nghèo; xây dựng các chỉ số đo lường theo các quyền cơ bản của con người; hoàn thiện bộ tiêu chí điều tra mức sống dân cư, điều tra hộ nghèo; nghiên cứu bổ sung các chính sách phù hợp để giảm nghèo…

 Minh Trang 


Nguồn: baodientu.chinhphu.vn

Link: http://baodientu.chinhphu.vn/home/xay-dung-bien-phap-giam-ngheo-ben-vung/20136/171062.vgp