Wednesday, June 12, 2013

Trước phiên chất vấn: Cử tri kiến nghị nhiều vấn đề thiết thực

 (CATP) Từ chiều 12-6-2013, Quốc hội bắt đầu tiến hành chất vấn các thành viên Chính phủ. Theo danh sách đã được các đại biểu Quốc hội lựa chọn, bốn vị Bộ trưởng, trưởng ngành trả lời chất vấn kỳ họp này là Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát; Bộ trưởng bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh và Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình. 

(CATP) Từ chiều 12-6-2013, Quốc hội bắt đầu tiến hành chất vấn các thành viên Chính phủ. Theo danh sách đã được các đại biểu Quốc hội lựa chọn, bốn vị Bộ trưởng, trưởng ngành trả lời chất vấn kỳ họp này là Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát; Bộ trưởng bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh và Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình. 

Trước phiên chất vấn, Quốc hội đã nghe Trưởng ban dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Đức Hiền trình bày Báo cáo giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ tư - Quốc hội khóa XIII. Còn tại kỳ họp thứ năm này, vấn đề mà cử tri quan tâm gửi đến Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền các kiến nghị về chính sách người có công. Cử tri Hà Nam đề nghị cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật đối với những người có công, có cơ chế ưu đãi hơn nữa đối với những đối tượng này. Cử tri Hà Tĩnh đề nghị khi ban hành các chính sách đối với người có công với cách mạng cần tính toán đảm bảo nguồn lực thực hiện. Trong khi đó, cử tri Thái Bình đề nghị mở rộng diện đối tượng người có công, cử tri Bắc Kạn, Phú Yên, Yên Bái, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Nam Định, Ninh Thuận, Điện Biên đề nghị tăng mức trợ cấp đối với người có công...

Cũng kiến nghị về chính sách với người có công, cử tri Tiền Giang đề nghị trợ cấp bảo hiểm y tế đối với người trực tiếp thờ cúng liệt sĩ trong trường hợp liệt sĩ không còn cha, mẹ, vợ, con. Cử tri Long An kiến nghị cho người thờ cúng liệt sĩ được hưởng trợ cấp hàng tháng hoặc có định suất cao hơn hiện tại. Theo cử tri Phú Thọ, Lạng Sơn, Sơn La, Bình Phước, hiện nay quy trình, thủ tục làm và xét duyệt hồ sơ hưởng chính sách đối với nạn nhân nhiễm chất độc da cam/dioxin còn rườm rà, việc tiến hành xét duyệt hồ sơ diễn ra chậm và nảy sinh nhiều tiêu cực, bất cập trong thực tế cuộc sống. Cử tri các địa phương này kiến nghị sớm giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong các quy định về trình tự, thủ tục (đơn giản hóa các thủ tục và có hướng dẫn cụ thể đối với các trường hợp không còn giấy tờ liên quan), nhanh chóng giải quyết chế độ cho các đối tượng nhiễm chất độc da cam/dioxin. Cử tri TPHCM đề nghị rà soát lại thủ tục hưởng trợ cấp cho phù hợp, xem xét trường hợp đối với nạn nhân chất độc da cam trước ngày 7-4-2009 phải có sổ điều trị thì mới được trợ cấp. Ngoài các nội dung trên, cử tri cả nước còn kiến nghị nhiều vấn đề liên quan đến bảo hiểm xã hội, bảo trợ xã hội, giảm nghèo và các chính sách về lao động, việc làm, dạy nghề, tiền lương...

Trước phiên chất vấn, cử tri các tỉnh Tiền Giang, Thái Nguyên, Hải Dương, Hưng Yên, Long An, Bình Dương kiến nghị Chính phủ cần thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm ổn định giá cả đầu vào các mặt hàng vật tư nông nghiệp và giá cả đầu ra cho tất cả các sản phẩm nông nghiệp khác.

Cử tri Cần Thơ đề nghị Chính phủ có giải pháp tổng thể và hiệu quả hơn nữa về thị trường xuất khẩu, về bao tiêu sản phẩm, về giá, về chi phí đầu vào, về quy hoạch phát triển vùng trọng điểm..., đồng thời tăng điều tiết ngân sách cho khu vực nông thôn nhiều hơn nữa để đời sống của người nông dân được cải thiện, đảm bảo lợi nhuận xứng đáng với công sức bỏ ra. Cử tri Bạc Liêu, Vĩnh Long, Long An thì đề nghị Nhà nước có chính sách bình ổn giá các mặt hàng phục vụ sản xuất nông nghiệp như phân bón, thuốc trừ sâu... và có cơ chế chính sách tạm trữ và quy định mua theo giá sàn, thu mua kịp thời vào đầu vụ để người sản xuất lúa có lãi từ 30% trở lên để nông dân có thu nhập ổn định, bảo đảm cuộc cống và tái sản xuất. Cử tri An Giang kiến nghị Chính phủ có giải pháp tốt hơn để nông dân được hưởng lợi từ chính sách một cách trực tiếp, giúp nông dân trong giao dịch mua bán không bị tư thương ép giá và giao chỉ tiêu cho các tỉnh so với diện tích sản xuất (sản lượng) và mua ngay từ đầu vụ...

Về chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, cử tri Quảng Nam đề nghị Chính phủ sớm điều chỉnh các tiêu chí không phù hợp, đồng thời tăng mức vốn tạo điều kiện cho các xã hoàn thành Chương trình xây dựng nông thôn mới. Cử tri Bắc Ninh, Thái Bình, Hải Dương đề nghị Chính phủ nâng mức hỗ trợ bằng ngân sách Trung ương cho chương trình, tăng cường cho hạ tầng nông thôn, xây dựng các công trình giao thông, thủy lợi nội đồng. Ngoài các nội dung trên, cử tri các địa phương còn kiến nghị nhiều lĩnh vực liên quan đến hoạt động quản lý nhà nước của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn như vấn đề vật tư nông nghiệp, giống cây trồng, thủy sản, lâm nghiệp...

Với Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh, vẫn còn đó những bất cập về quản lý Nhà nước nhằm tạo sự chuyển biến tích cực hơn trong văn hóa, tạo động lực phát triển đất nước, khắc phục những tồn tại về sự “xuống cấp” đạo đức, văn hóa trong xã hội. Ngành văn hóa cũng phải chỉ ra được những biện pháp khắc phục những hạn chế trong công tác bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử văn hóa gắn với du lịch; lễ hội tràn lan gây lãng phí trong thời gian qua. Bày tỏ lo ngại việc nước ta đăng cai ASIAD 2019 trong lúc nền kinh tế còn nhiều khó khăn, nợ công còn cao là chưa phù hợp, cử tri Phú Yên đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao, Du lịch giải trình rõ vấn đề này.

Bức xúc trước tình hình kinh tế đất nước đang gặp khó khăn nhưng việc tổ chức lễ hội tại nhiều địa phương vẫn diễn ra tràn lan, gây lãng phí, ảnh hưởng đến nguồn ngân sách quốc gia, cử tri TPHCM đề nghị Nhà nước nên có chính sách cắt giảm lễ hội hoặc quy định tổ chức lễ hội thật tiết kiệm, phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội trong nước. Cử tri Hậu Giang đề nghị ban hành quy định hướng dẫn cụ thể trong hoạt động biểu diễn, quy định rõ trình tự, thủ tục, trang phục trong các hoạt động biểu diễn phải phù hợp với văn hóa của đất nước. Đồng thời, nhằm gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, cử tri Hậu Giang cũng kiến nghị cần ban hành quy chuẩn văn hóa của người Việt Nam trong thời gian tới.

Nội dung kiến nghị mà cử tri gửi tới kỳ họp thứ năm thuộc lĩnh vực Viện kiểm sát nhân dân (KSND) tối cao liên quan đến việc phân bổ tăng chỉ tiêu kiểm sát viên trung cấp cho Viện KSND cấp tỉnh để đủ lực lượng kiểm sát viên tham gia xét xử vì hiện nay số lượng án ngày càng gia tăng (cử tri Long An). Cử tri Hải Dương đề nghị Nhà nước xem xét về chế độ đãi ngộ đối với công chức ngành kiểm sát, đồng thời quan tâm tăng cường kinh phí đầu tư mua sắm trang thiết bị làm việc cho ngành này.

Tham gia phiên chất vấn, Phó thủ tướng Chính phủ sẽ giải trình thêm một số vấn đề mà đại biểu Quốc hội và cử tri quan tâm. Theo nghị trình, phiên chất vấn và trả lời chất vấn sẽ bắt đầu từ chiều thứ tư (12-6) đến hết ngày thứ sáu (14-6).


No comments:

Post a Comment