Friday, June 14, 2013

Kinh hoàng lũ nhân tạo

 Đến giờ phút này, chính quyền tỉnh Gia Lai, người dân vùng sau đập thủy điện Ia Krêl 2 (huyện Đức Cơ) đã thở phào nhẹ nhõm khi sự cố vỡ đập (rạng sáng 12.6) đã không cướp đi tính mạng của người dân nào. 

Bộ đội biên phòng lao mình cứu người dân mắc kẹt trên cây. Ảnh: L.Đ.Dũng

Đến giờ phút này, chính quyền tỉnh Gia Lai, người dân vùng sau đập thủy điện Ia Krêl 2 (huyện Đức Cơ) đã thở phào nhẹ nhõm khi sự cố vỡ đập (rạng sáng 12.6) đã không cướp đi tính mạng của người dân nào.

 Cột mình vào đọt cây tránh lũ 

5h sáng ngày 12.6, một ngày bình thường của nông dân Puih Ơnh (SN 1965, làng Ó, xã Ia Dom, Đức Cơ) trên đám rẫy cạnh suối Đôi bên quốc lộ 14C. Mắt đang nhá nhem, bất chợt Puih Ơnh thấy một dòng nước đục ngầu cuồn cuộn lao về ngôi nhà chòi canh rẫy của mình. Nước từng cột cao tới 7m trờ tới, cuốn theo rất nhiều thân gỗ đập phăng mọi thứ. Trong chòi, vợ con ông vẫn đang giấc ngủ say. Puih Ơnh la thất thanh: “Vợ ơi, con ơi, dậy đi, chạy đi, lũ, lũ!”.

Nhưng không kịp, nước lũ đã quấn hết cả ngôi nhà. Puih Ơnh leo lên một cây to cạnh chỗ đứng. Trong lúc hoảng loạn, người đầu tiên Puih Ơnh kịp nhớ đến là bộ đội Quang ở Đồn biên phòng Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh. Sẵn trong người có chiếc điện thoại, Puih Ơnh gọi ngay cho anh Quang: “Quang ơi vào rẫy mì cứu mình với, mình bị lũ cuốn rồi”. Bên kia điện thoại, thượng úy Quang hốt hoảng: “Ừ, chờ mình tí, mình đang vào”.

Từ đồn biên phòng vào rẫy Puih Ơnh khoảng 5km, trong lúc chờ bộ đội vào, Puih Ơnh nghĩ mình sẽ chết vì thấy nước ngày càng dâng cao nên xé áo cột mình vào ngọn cây để khỏi trôi xác qua bên kia biên giới. Trong căn chòi cạnh đó, nước ngày càng ngập cao lên nóc, vợ con Puih Ơnh la hét thất thanh mà ông không thể làm gì được.

Phía trên kia, cách khoảng 10km, đập thủy điện Ia Krêl 2 bị vỡ toác, nước trào xuống xối xả. Cả một vùng thung lũng xã Ia Dom ngập chìm trong lũ dữ. Nước đi tới đâu, đánh bạt cây cối hoa màu tới đó. Người dân cả một vùng tán loạn chạy lên đồi cao mà không kịp mang theo vật dụng, gia súc gì.

Tại khu vực suối Đôi, chị Huỳnh Thị Lan (ở Bình Định) và chị Đào Thị Thủy cùng nhiều người khác đang hí hoáy làm cỏ thuê trong rẫy mì cho ông chủ. Thấy nước lũ tràn tới, những người khác nhanh chân chạy lên đồi cao. Chị Lan và chị Thủy chạy không kịp phải liều bám leo lên bụi tre cạnh đó.

Trong các lán trại của các đội sản xuất 20, 21 của Cty TNHH MTV 72 (Binh đoàn 15), công nhân đang chuẩn bị bữa sáng cho lần đi trút mủ caosu mới. Nước về, công nhân vứt xô chạy dáo dác. Nhiều người không chạy kịp, phải leo tít lên ngọn caosu.

Xuôi về phía cầu Treo nằm trên đường tuần tra biên giới của bộ đội biên phòng, hàng chục người dân cũng đang chuẩn bị đồ đạc đi làm mì. Nước tràn vào rẫy, ai nấy cũng hốt hoảng bỏ chạy lên cầu, lên đồi. Người không nhanh chân thì bám được cây nào leo lên cây đó.

Tại Đồn biên phòng Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh, các chiến sĩ đang trở dậy tập thể dục vào buổi sáng. Sau khi thượng úy Nguyễn Văn Quang (Chính trị viên phó đồn biên phòng) nhận được điện thoại khẩn từ ông Puih Ơnh, anh nghĩ: “Sao trời không mưa mà lại có lũ?”. Nhưng nghe người dân kêu cứu thất thanh như vậy, anh Quang không chút chần chừ và hội ý chớp nhoáng với lãnh đạo chỉ huy đơn vị.

Sau đó, anh Quang dẫn một tổ gồm năm người đi vào khu vực rẫy mì của anh Ơnh. Nước đổ cuồn cuộn, anh Quang lập tức gọi điện báo cáo về Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh về tình hình lũ quét, đồng thời nhận định sự cố là do đập thủy điện phía trên đó bị vỡ. Lập tức, Đồn biên phòng cửa khẩu nhận được lệnh tăng cường người chia theo nhiều hướng để cứu dân. Đại tá Trần Văn Biên - Phó Chỉ huy trưởng BCH Bộ đội Biên phòng tỉnh - chỉ đạo bằng mọi cách các anh phải cứu được người dân.

Bộ đội nhanh chóng trang bị áo phao bơi vào dòng lũ dữ. Tại đồn chỉ huy, bộ đội biên phòng tiếp tục điều một máy cẩu vào cầu Đôi để mang canô đi cứu dân. Nước dâng bất ngờ, chiếc máy cẩu bị nhấn chìm tại chỗ. Lái xe phải phá cửa nhanh chóng leo lên cây mới thoát nạn. Những người lính vì vậy phải tự bơi vào dòng lũ, phát hiện nơi nào có người leo trên ngọn cây hay ở trên đỉnh đồi, họ dùng dây níu tay nhau bơi sang.

Trên ngọn cây, Puih Ơnh chỉ tay về phía chòi kêu thất thanh: “Bộ đội ơi, mày cứu vợ con tao với, tao chết cũng được”. Bộ đội biên phòng nhanh chóng bơi vào nhà chòi cứu 4 người là vợ con Puih Ơnh đang ngấp nghé trên nóc nhà. Puih Ơnh cũng xé dây cột, leo xuống với bộ đội, trên cây còn để quên chiếc điện thoại.

Những tốp bộ đội khác tiếp tục tiến sâu vào vùng lũ dữ. Trên đọt tre cạnh đồi 20, 2 người phụ nữ làm thuê vẫn vắt vẻo bám níu cành cây bị giội vì nước xiết. Sau một hồi vật lộn với nước lũ, bộ đội đã tiếp cận được hai chị và dùng dây kéo vào bờ cao. Trên những đồi cạnh đó, nước đã xấp xỉ đỉnh, hàng chục người dân lâm vào phút định mệnh. Một chiến sĩ cho biết, chỉ chậm 5 phút nữa thôi thì đỉnh đồi 20 bị nhấn chìm hết.

“Quả bom” nước Ia Krêl 2 suýt gây nên thảm họa kinh hoàng. Ảnh: L.Đ.Dũng

Suốt từ cả một buổi sáng đến qua trưa, bộ đội biên phòng đã nỗ lực cứu được 30 người dân trong tâm lũ sơ tán an toàn. Khoảng 10 người trên các ngọn cây cũng đã được giải cứu. Phía chính quyền cũng đã có thông báo khẩn đến hàng trăm người di tản an toàn.

 Máu pha trong nước lũ 

Thượng úy Nguyễn Văn Quang kể lại: “Tình hình quá nguy cấp khi có lũ quét bất ngờ, chúng tôi phải hành quân cứu nạn từ 5 giờ sáng đến gần trưa ngày 12”. Trong lũ xiết, những người lính đã xả thân bất chấp nguy hiểm khiến không ít người phải rơi nước mắt. Trong lúc lao vào cứu gia đình Puih Ơnh, lũ gỗ cuốn ào ào đã đập liên tục vào người khiến anh Quang suýt nhiều lần bị đuối. Nhờ sự trợ lực của đồng đội, cả gia đình nạn nhân cũng đã được anh Quang cứu sống.

Những người khác, dù đói lả vì phải ngâm mình trong nước xiết vẫn cố gắng đi hết cả một vùng để tìm hết những người đang bị nạn. “Giữa cái sống và cái chết của người dân, ý nghĩ duy nhất của chúng tôi là cứu họ mà quên đi nguy hiểm. Sau khi cứu được toàn bộ họ, chúng tôi mới thở phào nhẹ nhõm dù có bị thương trên cơ thể” - anh Quang chia sẻ.

Chị Huỳnh Thị Lan vẫn chưa hết bàng hoàng sau cú chết hụt. Chị nhớ lại trong nước mắt: “Lúc đó chúng tôi đang ở bên bờ suối cách lán khoảng 100m. Nước dâng bất ngờ quá không chạy kịp. Cái chết cận kề nên cả bụi tre mà chúng tôi cũng phải leo lên khi nước đã ngập đến cổ. Đến lúc tưởng như bị cuốn trôi thì bộ đội tới. Chúng tôi như được sống lại một lần nữa. Cảm ơn bộ đội lắm”. Nghe tin dữ, cả làng quê của chị Lan, chị Thủy náo loạn cả lên. Bây giờ hai chị đều tay trắng.

Ông Mai Hưng Nguyên (trú làng Bi, xã Ia Dom) - chủ vườn mì - kể lại: “Sáng hôm đó tôi nhờ 5 người phụ nữ lên làm cỏ rẫy. Nghe tin lũ về tôi lo lắm, không biết tính mạng mấy chị ra sao. May mà bộ đội đã cứu được họ tôi mới hết lo lắng”. Sau trận lũ, ông Nguyên bị thiệt hại 12ha mì mới trồng được hơn 1 tháng, tất cả bị san bằng, ước tính thiệt hại khoảng trên 100 triệu, nếu tính khi thu hoạch thì thiệt hại gần 450 triệu đồng.

Tại Đồn biên phòng Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh sau cơn lũ kinh hoàng, rất đông người dân đã tập trung đông đủ để cảm ơn những người đã cứu mạng mình. Puih Ơnh không hết xúc động: “Tôi rất cảm ơn bộ đội đã cứu được cả gia đình tôi, tôi rất muốn được kết nghĩa với bộ đội”. Những nụ cười còn run, những ánh mắt ngân ngấn lệ, tình quân dân lại một lần nữa thêm thắm thiết sau những phút giây kinh hoàng giữa sự sống và cái chết trên vùng biên này.

Gia đình Puih Ơnh và thượng úy Nguyễn Văn Quang (giữa). Ảnh: L.Đ.Dũng

Ông Phạm Thế Dũng - Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, người đã có mặt trực tiếp chỉ đạo cứu hộ tại hiện trường vụ vỡ đập - đánh giá rất cao về tinh thần và trách nhiệm của bộ đội biên phòng. “Do chủ động ứng cứu trực tiếp nên cán bộ, chiến sĩ đồn biên phòng đã hoàn thành nhiệm vụ, không để xảy ra thương vong đáng tiếc nào, đây là một điều rất đáng biểu dương”.


Ông Huỳnh Ngọc Tục - Giám đốc Sở Công Thương Gia Lai - cho biết: “Đập thủy điện bị vỡ khi chủ đầu tư tự động tích nước mà không có báo cáo lên sở. Trong khi đó, sở vẫn chưa nghiệm thu công trình. Khi xảy ra sự cố, chủ đầu tư mới nói là đang tích nước thử”. Như vậy, sau hàng loạt sai phạm mà Lao Động đã nêu ra về dự án này, lại thêm bằng chứng cho thấy chủ đầu tư công trình này làm ẩu và vượt mặt cơ quan chức năng.

Sau sự cố vỡ đập Ia Krêl 2, UBND tỉnh Gia Lai đã có công điện khẩn về việc kiểm tra, đánh giá chất lượng xây dựng các công trình thủy điện, thủy lợi trên địa bàn tỉnh và triển khai cấp bách các biện pháp đảm bảo an toàn đập, phòng, chống lũ lụt cho vùng hạ du đập. Trong đó, ngoài việc kiểm tra, khắc phục, sửa chữa các đập có sự cố để đảm bảo an toàn thì Sở Công Thương còn phải đẩy nhanh tiến độ xây dựng công trình thủy điện, thủy lợi, hệ thống kênh mương để vượt lũ...

Thống kê từ Sở Công Thương Gia Lai cho biết, hiện toàn tỉnh này có 74 thủy điện vừa và nhỏ nằm trong quy hoạch, trong đó có 34 thủy điện đang vận hành và 8 dự án đang thi công. Năm 2013, UBND tỉnh Gia Lai cũng đã loại khỏi quy hoạch 19 thủy điện không đảm bảo yêu cầu và lợi ích kinh tế không cao.


Nguồn: laodong.com.vn

Link: http://laodong.com.vn/xa-hoi/kinh-hoang-lu-nhan-tao/121692.bld

No comments:

Post a Comment