Wednesday, June 12, 2013

Chất vấn ở Quốc hội: Hãy đối thoại, thay vì hỏi - đáp

 TT - Theo dõi phiên đầu tiên Quốc hội chất vấn các thành viên Chính phủ (ngày 12-6), tôi thấy hoạt động chất vấn được cải tiến rõ qua mỗi nhiệm kỳ. 

NGUYỄN THỊ HOÀI THU (nguyên chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội)

Tuy là theo quy định, song cách điều hành các phiên chất vấn của Chủ tịch Quốc hội đối với mỗi người khác nhau, tạo hiệu quả cao cho hoạt động chất vấn. Chính cách điều hành sắc sảo, thẳng thắn của người điều hành đã làm các phiên chất vấn có sức hút với dư luận.

Tuy nhiên, tôi muốn nhấn mạnh đến thời gian của hoạt động chất vấn. Tại kỳ họp này, do chỉ có hai ngày rưỡi cho hoạt động chất vấn, trong khi lại có rất nhiều vấn đề nóng sốt nảy sinh từ cuộc sống thời gian gần đây rất được cử tri quan tâm, đang kỳ vọng những người có trách nhiệm trả lời, thì yếu tố thời gian cần phải được đặt lên hàng đầu. Một số câu hỏi và trả lời tràng giang đại hải rõ ràng làm mất thời gian vốn đã ít ỏi.

Tôi thấy một số đại biểu khi chất vấn thường nói “Tôi xin hỏi...”, đại biểu không biết hay sao mà hỏi? Thay vào đó hãy đối thoại, đi thẳng vào vấn đề, trực diện vào những vấn đề bà con đang quan tâm để việc chất vấn trở thành hoạt động đối thoại thay vì chỉ hỏi và đáp. Đại biểu phải nói lời nói của cử tri, thở hơi thở của cử tri chứ không phải nói lời nói của mình, thở hơi thở của mình.

Tôi lấy ví dụ với phần chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Cao Đức Phát. Thực tế thời gian qua có thông tin nông dân trồng lúa lãi 30%, đây là vấn đề không hề có trên thực tế. Nông dân sống ra sao với giá lúa đang rớt thê thảm, ra đồng mà xung quanh đều thấy thuốc trừ sâu giả, phân bón giả, rồi bị gừng, tỏi, trái cây Trung Quốc tấn công tứ phía...? Tại sao những vấn đề sát sườn như vậy lại không được đại biểu đối thoại thẳng với Bộ trưởng Phát? Đại biểu phải chất vấn những bức xúc của cử tri chứ không phải bức xúc của riêng mình.

Với người được chất vấn cũng vậy, trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội chính là trả lời vấn đề của hàng triệu cử tri, do đó không thể trả lời chung chung, cho qua “kỳ thi”. Khi theo dõi Bộ trưởng Cao Đức Phát trả lời chất vấn, tôi hiểu cá nhân bộ trưởng bản tính hiền lành, song việc trả lời chất vấn mà “hiền lành” như vậy thì quả là chưa “đã”. Tôi không có được báo cáo mà Bộ trưởng Phát đã gửi các đại biểu chất vấn trước đó ra sao nhưng theo tôi, điều quan trọng là chất vấn và trả lời trực tiếp tại hội trường này, vì cử tri không hề biết bộ trưởng trả lời qua báo cáo ra sao.

Cần nhớ rằng không phải gần 500 đại biểu đang họp trong hội trường mà là hàng triệu cử tri đang họp. Do đó việc chất vấn và trả lời chất vấn sao cho gọn, tiết kiệm thời gian, sát sườn với thực tế và bức xúc của cử tri là điều hết sức quan trọng.

NGUYỄN THỊ HOÀI THU
(nguyên chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội)

N.T.U. ghi


No comments:

Post a Comment