Tuesday, June 11, 2013

Mỗi người đều nghiêm túc nhìn lại mình

 Sáng 11-6, ngay sau khi Ban Kiểm phiếu công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm 47/49 chức danh nhà nước chủ chốt, các đại biểu QH túa ra hành lang bàn luận rôm rả. 

Gần như ai cũng sẵn lòng chia sẻ cảm xúc của mình về cuộc bỏ phiếu công khai vừa diễn ra - một bước tiến quan trọng xây dựng nền dân chủ trong sinh hoạt chính trị của đất nước.

Pháp Luật TP.HCMgiới thiệu ý kiến một số người, gồm cả người vừa được đánh giá tín nhiệm, cả người bỏ phiếu và cả người quan sát nữa...

.Phóng viên:Thưa Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường, ông có thể chia sẻ cảm xúc của mình với cử tri, nhân dân sau khi kết quả lấy phiếu tín nhiệm được công bố?

+ Bộ trưởngHà Hùng Cường:Tôi rất phấn khởi và trân trọng sự đánh giá của các vị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và cũng là của nhân dân đối với ngành tư pháp, cũng như cá nhân mình. Qua đó, nhìn nhận lại một cách nghiêm túc những gì mình đã làm được.

So với các bộ, ngành, lĩnh vực trực tiếp liên quan đến điều hành kinh tế-xã hội, lĩnh vực tư pháp chúng tôi không có gì là quyền lợi để va chạm trực tiếp. Thế nhưng số phiếu đánh giá “tín nhiệm thấp” lại không ít. Có nghĩa rằng còn nhiều vấn đề mình cần phải nhìn nhận, đánh giá lại nghiêm túc. Xem những gì còn yếu kém thì phải chỉnh sửa, cố gắng hơn nữa.

Có những khó khăn khách quan

. Một số bộ trưởng, trưởng ngành khác trong Chính phủ (CP) có số phiếu “tín nhiệm cao” chưa nhiều. Cũng là thành viên CP với nhau, ông thấy thế nào?

+ Tôi rất chia sẻ. Tôi nghĩ trách nhiệm không hoàn toàn là cá nhân từng bộ trưởng đó. Nhiều người mới nhận nhiệm vụ trong gần hai năm của nhiệm kỳ này thôi, trong khi những bất cập, yếu kém của ngành mình là tồn tại từ nhiều năm rồi và rất lớn. Nhất là trong lĩnh vực ngân hàng, trong điều kiện cơ chế tập trung quan liêu bao cấp của mình.

ĐBQH ấn nút biểu quyết nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm . Ảnh : TTXVN

Tôi nói vậy không phải để giải trình hộ các đồng chí đó đâu nhưng đúng là có những khó khăn khách quan. Tài chính, giáo dục, y tế còn khó khăn lắm.

. Chắc ông cũng thấy mức tín nhiệm cho các vị hành pháp thấp hơn lập pháp, tín nhiệm cho Thủ tướng khác với Chủ tịch QH, Chủ tịch nước. Theo ông, vì sao?

+ Cái này thì cũng rõ thôi. Chức trách quan trọng của ĐBQH là giám sát. Mà đối tượng giám sát chủ yếu nhất, trách nhiệm nặng nhất là CP, trong đó có Thủ tướng và các bộ trưởng, thành viên CP. Hành pháp là điều hành trực tiếp, trách nhiệm trực tiếp, va chạm trực tiếp và nhiều nhất. Cho nên mức tín nhiệm khác nhau giữa hành pháp với lập pháp là dễ hiểu.

Trong giai đoạn phải nói là khó khăn nhất kể từ thời kỳ đổi mới, suốt từ năm 2010 đến giờ, yếu tố nội tại, yếu tố bên ngoài tác động rất nhiều. Thủ tướng là người đứng đầu và các vị bộ trưởng ở từng lĩnh vực sẽ tiếp tục chung tay chung lòng tháo gỡ khó khăn. Kinh tế thế giới mà tốt lên, kinh tế trong nước chuyển biến rõ rệt thì kết quả lấy phiếu sẽ khác.

Lấy phiếu trong Đảng cũng nên công khai

. Việc lấy phiếu tín nhiệm sẽ tiếp tục được thực hiện ở những năm tiếp theo. Ông có thấy cần điều chỉnh, cải tiến gì không?

+ Tôi cho là QH cần xem lại Nghị quyết 35 về việc lấy phiếu. Về mặt chủ trương chính trị cũng như đối tượng đưa ra lấy phiếu... thì việc này nằm trong yêu cầu của Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Nhưng qua thực tiễn, có lẽ phải tính toán lại.

Theo tôi, chỉ cần lấy phiếu CP, các thành viên CP. Chứ ĐBQH đi lấy phiếu QH thì không nhất thiết lắm. QH vận hành theo cơ chế nghị trường, là nguyên tắc tập thể, các ĐBQH đều ngang nhau cả. Mọi thứ, mọi sự thể hiện cá nhân, kể cả vai trò của các vị ủy viên Thường vụ QH rất là không rõ so với CP. Tính chất tương tác giữa các vị đó với ĐBQH cũng khác. Mọi sự so sánh đều rất khó...

. Giá trị lớn nhất của sinh hoạt chính trị này là QH đã công khai kết quả lấy phiếu tín nhiệm. Tới đây, BCH Trung ương cũng sẽ lấy phiếu tín nhiệm. Là ủy viên Trung ương Đảng, ông suy nghĩ thế nào về yêu cầu công khai, minh bạch?

+ Trong Đảng đã có quy định về lấy phiếu tín nhiệm và sắp tới sẽ tổ chức. Nhưng mức độ công bố đến đâu thì chắc còn chờ hướng dẫn nữa.

Theo quy định, người đã được lấy phiếu tín nhiệm với chức danh nhà nước rồi thì thôi lấy phiếu tín nhiệm bên Đảng. Mà mức tín nhiệm của họ về mặt nhà nước thì công khai rồi. Vậy với những người còn lại đưa ra lấy phiếu bên Đảng thì sao?

Theo tôi, có thể bắt đầu từ kinh nghiệm của QH. Quyền lực của QH do nhận ủy quyền từ nhân dân mà có. Đảng cũng vậy. Vai trò, sứ mệnh lãnh đạo cũng từ nhân dân mà ra, cũng là phục vụ nhân dân cả. Nếu cũng công khai được như QH thì tốt thôi.

. Xin cảm ơn ông.

Chắc chắn có tác động tích cực

Điều đầu tiên đáng ghi nhận là toàn bộ quy trình chúng ta làm rất minh bạch, công khai tất cả. Đây là một tiền đề hết sức thuận lợi để dựng xây nền dân chủ, văn hóa dân chủ trong các sinh hoạt chính trị.

Kết quả, mức tín nhiệm cụ thể cho mỗi chức danh thì mỗi người, mỗi ý khác nhau. Nhưng nếu nhìn trong tổng quan của tỉ lệ giữa những cương vị khác nhau thì thấy nó phản ánh tương đối thật và khá trung thực nhận thức của xã hội. Có thể cảm nhận điều đó ở tỉ lệ khá cao phiếu “tín nhiệm thấp” ở ngành y tế, giáo dục, ngân hàng.

Một mục tiêu của lần lấy phiếu này là nhắc nhở trách nhiệm, qua đó mỗi vị bộ trưởng, mỗi cương vị nhận thức được cái vị thế mà mình đang đảm nhận. Những gì vừa diễn ra chắc chắn sẽ có tác động tích cực.

Với mức tín nhiệm mà QH dành cho Thủ tướng, tôi không bất ngờ. Điều đó phản ánh rằng đất nước đang đứng trước những thách thức rất lớn, trong đó có những việc Thủ tướng và CP vượt qua được, làm được và có những cái chưa đáp ứng được yêu cầu của người dân.

Đánh giá, phân tích cho sòng phẳng thì người đang trực tiếp tác động vào đời sống sẽ được phiếu phản ánh đúng hơn, so với những nhân vật ở những vị trí ít va chạm, ít người quan tâm. Ở vị trí như người đứng mũi chịu sào như thế, sự đánh giá khác nhau âu cũng là thường tình.

ĐBQHDƯƠNG TRUNG QUỐC

Kết quả không vo tròn

Lần đầu tiên, chưa có kinh nghiệm mà kết quả thế này là được, cho thấy sự đánh giá của ĐBQH tương đối sát với kết quả, hiệu quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ của từng chức danh. Dù chưa tạo ra điều gì “chấn động” nhưng cũng nhắc nhở những chức danh cụ thể phải cố gắng, nỗ lực hơn nữa. Lần đầu tiên, một cách chính thức và công khai, mọi người lượng hóa được về uy tín của mình trước QH, cũng là trước cử tri.

Khi QH ra nghị quyết về lấy phiếu tín nhiệm, tâm tư ngoài xã hội rất khác nhau: kỳ vọng quá mức cũng có, mà bi quan cũng có. Nay thực hiện, kết quả thu về là đúng mức, kết quả ấy không vo tròn. Tuy nhiên, số lượng phiếu “tín nhiệm” (mức trung dung) hơi nhiều. Tín hiệu này cho thấy ĐBQH cần vận động tích cực hơn, thông tin không tự nhiên đến mà mình phải chủ động tìm hiểu, nắm bắt, khai thác để có đủ dữ liệu khi “chấm điểm”.

Từ kết quả này, tôi cho rằng cần có những quan điểm mới về thông tin. Các chức danh nhà nước và ĐBQH cần chủ động tiếp xúc, trao đổi với nhau nhiều hơn. Thông tin đầy đủ, mặt tích cực của ĐBQH được phát huy, đến lúc đó phiếu trung dung sẽ thu hẹp dần, trắng/đen sẽ rõ hơn.

ÔngVŨ TRỌNG KIM,Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam

Điểm tựa niềm tin cho công chúng

Mỗi người dân và ngay chúng ta lâu nay có nhiều câu hỏi về QH, nhất là trong vai trò đại diện dân cử, thực hiện quyền lực nhà nước mà cử tri giao cho sau mỗi kỳ bầu cử. Nay với cuộc lấy phiếu tín nhiệm này, một phần nỗi băn khoăn ấy được giải tỏa. Thấy rằng khi được tạo điều kiện, QH vẫn có thể làm được cái gì đó, gây được niềm tin tới cử tri.

Cũng nói về niềm tin, xã hội lâu nay vẫn râm ran bàn tán về chuyện ông này, bà kia với nhiều điều hư hư thực thực. Từng người dân, khi trăn trở, cũng cố xác lập cho mình xem chữ tín dành cho từng người, từng vị trí trong bộ máy Đảng, Nhà nước. Chữ tín ấy đang là gì đó cảm tính, vô hình, nay tìm được điểm tựa là mức tín nhiệm cụ thể, được lượng hóa mà QH ghi nhận với từng chức danh.

Xác tín trách nhiệm, uy tín chính trị không chỉ ở từng chức danh nhà nước mà cả chức danh ở các cấp lãnh đạo của Đảng là vô cùng quan trọng. Kết quả từ cuộc lấy phiếu tín nhiệm đầu tiên ở QH là bước khởi đầu tốt, tiếp thêm niềm tin nơi nhân dân.

Cựu Bộ trưởng Tư phápNGUYỄN ĐÌNH LỘC,
khách mời của các kỳ họp QH

Căn cứ để hoàn thiện công tác cán bộ

Đã tham gia QH nhiều năm, nên trước phiên lấy phiếu tín nhiệm lần này, tôi có dự đoán tình hình. So với kết quả được công bố thì thấy cơ bản là khớp. Một cách tổng quát, lần đầu tổ chức, có không ít trục trặc mà được thế này là tốt rồi. Đủ để cảnh báo, nhắc nhở mọi người - cho dù là người được/bị bỏ phiếu hay người cầm lá phiếu - phải cố gắng hơn, trách nhiệm hơn.

Cũng qua thực tế này, thấy rằng tới đây phải sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 35. Chẳng hạn, hướng dẫn, mẫu, cấu trúc báo cáo công tác của các chức danh cần phải chi tiết, cụ thể hơn, vừa để báo cáo biết đường mà báo cáo, vừa để ĐBQH dễ nắm bắt thông tin, tạo được mặt bằng chung mà đánh giá.

Quan trọng hơn là cơ chế để mọi ĐBQH có đủ thông tin mà đặt bút lên lá phiếu của mình. Còn như lần này, số lượng phiếu “tín nhiệm” trung dung khá lớn, cho thấy thông tin còn thiếu. Mà như trong ngành tòa án chúng tôi, thiếu “chứng cứ” thì sẽ phải “tuyên” theo hướng có lợi cho đối tượng...

Nếu so với cách lấy phiếu khép kín lâu nay trong công tác tổ chức của Đảng, lần bỏ phiếu công khai này tại QH có giá trị pháp lý - chính trị rất lớn, là nguồn tham khảo quan trọng, cơ sở để tiếp tục hoàn thiện công tác tổ chức, bố trí cán bộ của Đảng, Nhà nước.

Trung tướngTRẦN VĂN ĐỘ,Phó Chánh án TAND Tối cao, Chánh án Tòa án Quân sự Trungương

NGHĨA NHÂN - THÀNH VĂN

Kết quả lấy phiếu tín nhiệm 47 chức danh nhà nước

Tỉ lệ % được tính trên tổng số đại biểu QH hiện tại là 498 người. Số người tham gia bỏ phiếu là 492 người. Có một số phiếu bị coi là không hợp lệ (bỏ trống cả ba ô đánh giá, hoặc đánh dấu nhiều hơn một ô, hoặc có tẩy xóa)... Sáng 11-6, QH cũng đã bấm nút thông qua nghị quyết về kết quả lấy phiếu tín nhiệm.


Nguồn: phapluattp.vn

Link: http://phapluattp.vn/20130611103935505p0c1013/moi-nguoi-deu-nghiem-tuc-nhin-lai-minh.htm

No comments:

Post a Comment