Friday, June 14, 2013

Giải pháp "triệt" bệnh vô cảm của công chức

 Liên quan đến chuyện công chức “vô công rồi nghề”, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, cán bộ hư thì trưởng phòng trực tiếp, thủ trưởng cơ quan phải chịu trách nhiệm; kiên quyết đưa ra khỏi công vụ những người không hoàn thành nhiệm vụ... 

  

Chiều 14/6, tại phiên chất vấn đối với Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, đại biểu Quốc hội lại một lần nữa nhắc đến bức xúc của cử tri trước thái độ cửa quyền, vô cảm, có cũng như không của một bộ phận công chức.


Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời chất vấn của Quốc hội

Đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) dẫn lại Báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp lần này cs đề cập đến những tồn tại, hạn chế yếu kém có nêu năng lực phẩm chất của một số cán bộ, công chức chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là thái độ ứng xử, cửa quyền, vô cảm. Đại biểu Học cũng đồng thời nhắc lại, nhận xét của Phó Thủ tướng tại cuộc họp Ban chỉ đạo đề án đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức đầu năm 2013 rằng, trong bộ máy công chức hiện nay vẫn còn một tỷ lệ không nhỏ số công chức không có cũng được, bởi vì họ làm việc theo kiểu "sáng cắp ô đi, tối cắp ô về", không mang lại bất cứ hiệu quả công việc nào.

“Kính thưa Phó Thủ tướng Chính phủ, người dân rất bất bình về thực trạng này, vì người dân phải lao động cật lực để nuôi sống một bộ phận cán bộ, công chức không đáng tồn tại trong bộ máy Nhà nước. Đề nghị Phó thủ tướng cho biết, trách nhiệm của từng cấp, từng ngành, thủ trưởng từng cơ quan, đơn vị có số cán bộ, công chức này được xác định như thế nào? Chính phủ sẽ chỉ đạo để chấn chỉnh thực trạng này ra sao?” – đại biểu Nguyễn Thái Học đặt câu hỏi cho Phó Thủ tướng.

Trả lời câu hỏi này, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thừa nhận, mặc dù có rất nhiều cố gắng trong lĩnh vực cải cách hành chính, nhưng vẫn còn nhiều bất cập, tồn tại khuyết điểm, kết quả chưa được như mong muốn của người dân và doanh nghiệp, của các cơ quan chức năng.

“Thứ nhất, người dân vẫn phàn nàn tức là anh chưa thành công nhiều về thủ tục hành chính, về cải cách hành chính. Thứ hai, hệ thống thể chế, bộ máy có nhiều cố gắng nhưng vẫn còn nhiều vấn đề bất cập. Hai vấn đề quan trọng này làm ảnh hưởng đến cải cách hành chính ở nước ta” - Phó Thủ tướng nhận định.

Về giải pháp, Phó Thủ tướng cho biết, thứ nhất là thực hiện nghiêm túc chương trình tổng thể cải cách hành chính 2011 - 2020, trong đó có một số đề án rất quan trọng như đề án công vụ, công chức, một cửa liên thông hay việc công bố bộ chỉ số cải cách hành chính và quy trách nhiệm người đứng đầu trong cải cách hành chính.

Giải pháp thứ hai mà Phó Thủ tướng đưa ra, đó là Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Đề án Đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân bằng việc áp dụng số định danh cá nhân.

“Nếu đề án này thành công, mà chúng tôi hứa với Quốc hội là cố gắng làm đề án thành công, thì hiện chúng ta có 20 loại giấy tờ công dân, nhưng sau này chỉ cần một cái thẻ có mã số là số chứng minh nhân dân do công an cấp. Từ đó, chúng ta không phải sao chép, không phải “này khác”, cứ cái thẻ đó là “ra” tất cả các thông tin cá nhân mà không phải kê khai. Kỹ thuật rất nhanh. Như vậy, có thể nói cải cách thủ tục hành chính đã thể chế cả cán bộ và những việc trọng tâm” - Phó Thủ tướng khẳng định.

Liên quan đến cán bộ công chức, Phó Thủ tướng cho rằng, công chức sẽ phải mô tả việc làm - một việc rất quan trọng trong cải cách công vụ. Còn người thủ trưởng phải đứng đầu để cán bộ của mình không quan liêu, xa dân, thực hiện nhiệm vụ v.v...

“Những việc như vậy, cả thể chế và công tác cán bộ đều phải thực hiện quyết liệt hơn để triển khai chủ trương cải cách hành chính tổng thể từ nay đến 2020” - Phó Thủ tướng cương quyết nói.

Về thói cửa quyền, vô cảm của cán bộ công chức, Phó Thủ tướng cũng “công nhận với Quốc hội”. Để khắc phục tình trạng trên, Phó Thủ tướng cho biết, các cấp, các ngành, các cơ quan phải triển khai tích cực, nghiêm Luật cán bộ, công chức, viên chức vào cuộc sống.

“Nội dung luật này rất nhiều vấn đề. chúng ta phải triển khai tốt thì sẽ giảm được việc cửa quyền, vô cảm” - Phó Thủ tướng nhận định.

Về đề án cải cách chế độ công vụ, công chức với nhiệm vụ trọng tâm là nâng cao trách nhiệm kỷ luật, kỷ cương hành chính và đạo đức công vụ, công chức, Phó Thủ tướng cho biết, đi đôi với việc từng cán bộ công chức phải mô tả công việc thuộc chức năng, nhiệm vụ để từ đó quy trách nhiệm là việc đổi mới đánh giá cán bộ, đề cao trách nhiệm người đứng đầu quản lý cán bộ công chức đó.

“Trước đây cán bộ hư, thủ trưởng không chịu trách nhiệm, bây giờ cán bộ hư thì trưởng phòng trực tiếp phải chịu trách nhiệm, thủ trưởng cơ quan cũng phải chịu trách nhiệm. Ngoài ra, cũng quy định rõ trách nhiệm bồi thường của cán bộ công chức, viên chức. Anh làm hư (hỏng – PV), anh làm chậm gây thiệt hại thì phải bồi thường. Cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, các bộ, ngành, các địa phương phải quan tâm đặc biệt vấn để xử lý cán bộ nhũng nhiễu tiêu cực, đưa ra khỏi bộ máy của chúng ta những cán bộ có phẩm chất đạo đức yếu kém, gây phiền hà với nhân dân” – Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Nhân phát biểu tại Nghị trường, Phó Thủ tướng đề nghị từng cấp, từng ngành phải tiếp tục chủ động ban hành các văn bản như: Cụ thể hóa Luật cán bộ công chức, quy định rõ trách nhiệm của người công chức về quy tắc ứng xử trong thực thi công vụ, có chế tài xử lý vi phạm, đặc biệt là lấy tiêu chí hài lòng của người dân, của doanh nghiệp để chấm dứt sự vô cảm của công chức với dân và doanh nghiệp.


Tuệ Khanh


Nguồn: www6.vnmedia.vn

Link: http://www6.vnmedia.vn/vn/xa-hoi/tin-tuc/23_1285748/giai_phap_quot_triet_quot_benh_vo_cam_cua_cong_chuc.html

No comments:

Post a Comment