Wednesday, June 12, 2013

Địa phương phải phân bổ nguồn lực cho phòng cháy, chữa cháy

 KTĐT - Sáng 12/6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy, chữa cháy (PCCC). Trong đó, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc PCCC được đặc biệt nhấn mạnh. 

  

 Buổi diễn tập PCCC tại Tòa nhà HAREC số 4A Láng Hạ. Ảnh: Phú Cường 

Đưa ra vấn đề cháy nổ xăng dầu vừa qua, ĐB Trần Thị Quốc Khánh (đoàn Hà Nội) cho rằng: Hiện có một số cây xăng hoạt động không đảm bảo điều kiện về PCCC nên khi có hỏa hoạn xảy ra đã gây thiệt hại lớn tới tài sản của tổ chức, đơn vị và ảnh hưởng lớn tới người dân địa phương. Vì vậy, Dự án Luật nên quy định rõ trách nhiệm của cơ quan, chính quyền địa phương khi cấp phép cũng như quản lý hoạt động của cây xăng. Theo đó, giấy phép phải đảm bảo nguyên tắc rõ ràng về PCCC cũng như khoảng cách an toàn từ cây xăng đến các hộ dân xung quanh.

Tiếp tục đề cập tới trách nhiệm người đứng đầu và chính quyền địa phương, ĐB Phùng Đức Tiến (đoàn Hà Nam) đề xuất: Tại các công trình xây dựng, nhà ở cao tầng, chính quyền địa phương cũng cần phải có trách nhiệm quy định rõ để yêu cầu chủ đầu tư có biện pháp và trách nhiệm thiết kế hệ thống PCCC. Thượng tọa Thích Bảo Nghiêm (đoàn Hà Nội) kiến nghị: Hiện nay, hoạt động PCCC ở nhiều địa phương còn manh mún, thiếu đồng bộ. Bởi thế, người đứng đầu cơ quan, đơn vị và chính quyền địa phương phải có trách nhiệm phân bổ nguồn ngân sách hợp lý dành cho công tác PCCC.

Cùng ngày, với 89,76% ĐBQH tán thành, Quốc hội đã thông qua Dự thảo Luật Phòng, chống khủng bố. Trong đó, quy định rõ các hành vi khủng bố, hành vi bị nghiêm cấm như tài trợ khủng bố; che giấu, chứa chấp, không tố giác hành vi khủng bố, tài trợ khủng bố… Quy định việc điều tra, truy tố, xét xử tội phạm khủng bố, tội phạm tài trợ khủng bố được thực hiện theo quy định của Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng Hình sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Đồng thời, giao Chính phủ thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống khủng bố quốc gia, với Bộ Công an là cơ quan thường trực và có cơ quan tham mưu, giúp việc chuyên trách và quy định cụ thể điều kiện, thủ tục, thẩm quyền, hình thức tạm ngừng lưu thông, phong tỏa, niêm phong, tạm giữ, xử lý tiền, tài sản liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố.


No comments:

Post a Comment