Tuesday, May 28, 2013

Người làng Hà Nội ngột ngạt vì… đô thị hóa không gian cổ | Đồng Văn Lanh

 Áp lực dân số, tốc độ đô thị hóa đang dần “xóa sổ” những ngôi nhà cổ ở các làng cổ trên địa bàn Hà Nội. Sự kiện người dân làng cổ Đường Lâm (TX Sơn Tây) cùng ký đơn xin… trả lại danh hiệu “Di tích kiến trúc – nghệ thuật quốc gia” cho nhà nước đã chứng tỏ họ đang sống khổ ở làng cổ, và việc quản lý di tích, làng cổ đang thực sự có vấn đề. 

Bảo tồn phải đi đôi với phát triển chất lượng sống người dân.

 Không thể sống chật 

Đến bất cứ làng cổ nào ở Hà Nội như làng Hòa Mục, Cự Đà, Tả Thanh Oai, Vân Từ, Tây Mỗ và đặc biệt là làng Đường Lâm, đều thấy sự ngột ngạt của tốc độ đô thị hóa nửa vời, sự chen lấn của rác thải hay vật liệu xây dựng.

Cũng bởi dân số tăng, người ta phải chia nhỏ miếng đất ra để các con xây nhà, chứ không thể sống mãi trong ngôi nhà cấp bốn thấp bé, chật hẹp.

Ông Nguyễn Thế Cương (làng Cự Đà) cho biết: “Nhà tôi bốn con, với diện tích hơn 100 m2, nếu cứ giữ nếp nhà cổ thì lấy chỗ nào cho hơn chục con người trú ngụ. Biết là đập nhà cổ của cha ông để lại đi thì tiếc, nhưng không còn cách nào khác. Mua nhà mới để “giãn con” thì không có tiền, đành lực bất tòng tâm. Cũng may ở đây cơ chế còn thoáng, chứ không thì khổ lắm!”.

Cánh Cự Đà một con sông nhà là làng Tả Thanh Oai, hiện cũng bị tốc độ đô thị hóa "cày xới". Một số người dân vui mừng vì “may làng mình chưa bị đưa vào sách đỏ”, bởi họ đã nhìn thấy những bức bối, cuộc sống khó chịu trong những căn nhà cổ được vận động bảo tồn, gìn giữ.

Một thời gian đất đai tăng chóng mặt, người dân bán một phần đất xây nhà cao tầng, thay cho căn nhà thấp bé trước đây cũng là bình thường. Nhiều bậc cao niên khẳng định: “Tiếc thì có tiếc, nhưng thời thế thay đổi, không thể mấy gia đình cùng sống trong một cái nhà nhỏ”.

Làng Đường Lâm diễn ra tương tự, nhưng sự mẫu thuẫn giữa bảo tồn với cuộc sống thì diễn ra gay gắt hơn. Bởi làng là di tích quốc gia, cần bảo vệ. Nhưng sự bảo vệ và quản lý nửa vời, kệch cỡm, không công bằng đã khiến nhiều người thấy sợ và khốn đốn. Đến nay, dư âm vụ cưỡng chế phá nhà bà Hà Thị Khanh vẫn chưa dứt, dù đã trôi qua hơn một năm.

Nguyên nhân của sự việc là do bà Khanh xây nhà cao tầng, trong khi khu vực gia đình bà cư trú lại thuộc diện bảo vệ cấp một, điều này là không được phép. Bà Khanh có cái lý đúng, đất chật, gia đình lại có tới tám nhân khẩu. Nhà cấp bốn không thể giải quyết hết chỗ ở.

Một gia đình khác, bị cắt điện, nước sinh hoạt đã 2,5 tháng vì tự ý lợp một cái mái chống nóng bằng tôn lạnh. Trước sức ép của chính quyền, gia đình này đã tự tháo dỡ mái tôn nhưng một thời gian dài không được nối lại điện nước.

Rất nhiều người dân sống ở làng cổ Đường Lâm kêu trời, vì phải sống chật chội, chịu sự quản lý có phần khắc nghiệt. Bởi động xây dựng hay chỉnh sửa cái gì đều có người đến "hỏi thăm", nhưng việc hỏi thăm này cũng chưa công bằng, bởi vẫn nhan nhản các ngôi nhà cao tầng vô tư mọc lên.

Nhiều người dân cùng bày tỏ một ý, họ vui mừng vì làng được công nhận là di tích quốc gia, được nhiều người quan tâm. Cán bộ xã thì nói là làng sẽ làm du lịch, khách đến càng đông thì càng được hưởng lợi. Nhưng chỉ có 8 gia đình được đầu tư, còn lại không được hỗ trợ. Trong khi đó họ bị cấm xây dựng, sửa sang trên chính mảnh đất của mình.

 Sau Đường Lâm, đến làng nào? 

Đó là câu hỏi mà dư luận đang lên tiếng quan tâm, bởi cơ quan chức năng vẫn đang hô hào bảo tồn, gìn giữ nhà cổ, làng cổ nhưng lại chưa có một cơ chế, chính sách thỏa đáng nào giúp người dân… dễ thở! Việc người dân cùng ký đơn xin… trả lại danh hiệu cho thấy họ thật sự sống trong bế tắc, và rất có thể là “phát súng” tiên phong cho những ngôi làng cổ đang được gìn giữ, bảo tồn một cách chưa hợp lý.

Áp lực dân số, tốc độ đô thị hóa đang dần “xóa sổ” những ngôi nhà cổ ở các làng cổ trên địa bàn Hà Nội.

Đó còn là một sự kiện đánh động vào cách quản lý về nhiều loại di tích khác, nếu khiến đời sống người dân gặp khó khăn.

Ông Nguyễn Văn Thành - Phó Chủ tịch UBND xã Đường Lâm - cho biết: “Ngay khi được công nhận là di tích, chính quyền và các đoàn thể rất chú trọng vận động người dân gìn giữ nhà cổ. Tuy nhiên, cái khó là việc không cho phép xây dựng, cải tạo nhà ở trong khi không có chính sách, quy hoạch kèm theo buộc người dân phải ở trong ngôi nhà xuống cấp, khiến nhiều người muốn trả lại bằng di tích”.

Còn ông Kiều Văn Thạch - Trưởng ban Công tác mặt trận thôn Đông Sàng - nghẹn ngào: “Thú thực, giờ bảo nhà cổ đúng nghĩa, thì thôn tôi chỉ còn có vài ngôi nhà nữa thôi. Không biết đến bao giờ, việc tôn tạo mới hoàn thành, mà tôn tạo rồi để đấy thì sớm muộn gì cũng hỏng cả”.

Theo tìm hiểu, nhiều chuyên gia cho rằng, việc bảo tồn các di tích như chùa, đình, đền, miếu… có một ý nghĩa khác. Bởi ở đó ít người lui tới, còn không gian làng cổ, là nơi trú ngụ, diễn ra mọi sinh hoạt đời sống của người dân, rất cần rộng rãi. Và người dân cũng không phải là quá đáng, khi đặt câu hỏi ngược lại với cán bộ: “Các ông ở nhà cao cửa rộng, sao bắt chúng tôi sống trong nhà thấp, chật hẹp?”

Sự tồn tại của phố cổ Hội An (Quảng Nam) vẫn được ca tụng là một trường hợp hiếm thấy không chỉ ở Việt Nam, mà cả trên thế giới.

Cũng bởi do ý thức bảo tồn, gìn giữ đã ăn sâu vào tâm khảm mỗi người dân và cán bộ quản lý mỗi di tích đều đặt lợi ích chung lên hàng đầu.

Họ có cách để tổ chức phát triển bền vững các dịch vụ du lịch, thương mại mà không làm ảnh hưởng xấu đến di sản. Một số nhà văn hóa cho rằng, việc quản lý, gìn giữ và bảo tồn các làng cổ cần phải học tập cách làm ở Hội An.

Tại làng cổ Đường Lâm, từ 8 năm trước đã có dự án giãn dân, nhưng đến nay vẫn chỉ dừng ở trên giấy tờ. Nếu cơ quan chức năng giải quyết xong việc giãn dân, thì đâu có xảy ra cơ sự như hôm nay…

 Sơn Bình 


Để chuẩn bị cho hành trình, đầu tiên, chàng Việt kiều tháo vát đầu tư khá kỹ vào chiếc xích lô. Không tìm được thợ ưng ý, anh phải tự làm khá nhiều việc: Thay bánh xe sau bằng bánh xe đạp có 7 số đùm với bộ thắng chắc chắn hơn, rồi nhờ thợ tiện lại hai bộ đùm trước của xe xích lô để rút căm với hai cái niềng của xe đạp. Nhờ sự thay đổi đó mà chiếc xích lô cải tiến nhẹ bớt được khoảng 20kg.

Anh chế thêm một cái mái che nắng, một thùng đựng nước uống ướp lạnh phía sau và gắn thêm bộ máy đo kilômét. Muốn có bạn đồng hành cho chuyến đi thêm vui, anh mang thêm một chú cún nhỏ xinh xắn tên Mau trong chiếc giỏ mây đặt ở phía trước.

Sáng 8/12/2011, vị du khách trên chiếc xích lô độc đáo xuất phát từ Nha Trang với hành trang gọn nhẹ. Ngày đầu tiên của cuộc hành trình, anh đi được 46km. Đến ngày thứ ba, anh đã vươn đến con số 92,5km.

Hôm đó, đoạn đường chạy ngang qua Phan Rang gió thổi rất mạnh. Thanh Tùng không cần đạp mà xe vẫn lao tới với tốc độ lên tới 35km/giờ. Do phải ghì thắng để giảm tốc độ lại cho an toàn nên anh chỉ có thể lái xe một tay. Đây quả thật là một thử thách!

Nguồn: www.phapluatvn.vn

Link: http://www.phapluatvn.vn/xa-hoi/201305/Nguoi-lang-Ha-Noi-ngot-ngat-vi-do-thi-hoa-khong-gian-co-2078221/

No comments:

Post a Comment