Wednesday, May 29, 2013

Chống tham nhũng vặt: Cấm đổ “dầu” có làm “cháy máy”?

 (HQ Online)- Kết quả Chỉ số PAPI (Hiệu quả quản trị và Hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam) 2012 vừa công bố cho thấy tình trạng hối lộ vẫn phổ biến trong khu vực công. Về vấn đề này, phóng viên Báo Hải quan có cuộc trao đổi với ông Đặng Ngọc Dinh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển và Hỗ trợ cộng đồng (CECODES), là một trong ba tổ chức nghiên cứu và tiến hành PAPI. 

Ông Đặng Ngọc Dinh

  Thưa ông, thực trạng hối lộ trong khu vực công được thể hiện như thế nào trong điều tra của PAPI?  

Phạm vi tham nhũng, hối lộ được lấy ý kiến của người dân trong PAPI là những hành vi hối lộ trong các lĩnh vực như y tế, giáo dục, xin việc tạm gọi là tham nhũng vặt chứ không phải là những phạm vi, vụ việc tham nhũng lớn, vĩ mô. Khái quát về vấn đề này trong suốt ba năm thực hiện PAPI, chúng tôi thấy đây là hành vi phổ biến, rộng rãi, không có sự thay đổi giữa các tỉnh, thành. Người dân quan niệm đây là chuyện bình thường, thậm chí còn coi là hành vi tích cực để giải quyết công việc một cách nhanh gọn, nếu không còn tự gây khó khăn cho mình. Khi được hỏi là người dân có sợ không, có bị thúc ép trong việc đưa hối lộ không thì câu trả lời là không sợ và coi đây là một cách làm cho bộ máy vận hành trơn tru.

  Vậy thực trạng này đang diễn ra trong những lĩnh vực nào, thưa ông?  

Đó là trong lĩnh vực giáo dục, y tế, nhà đất và xin việc làm tại cơ quan Nhà nước.

Trong PAPI 2012, người dân cho rằng phải hối lộ thì mới xin được việc tại cơ quan Nhà nước với tỷ lệ tăng gấp đôi so với năm 2011 (từ 29% lên 44%). Số người đồng tình với việc phải hối lộ mới được chăm sóc y tế và xin được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng tăng với tỷ lệ tương ứng, từ 31% lên 42% đối với chăm sóc y tế và từ 21% lên 32% với chứng nhận quyền sử dụng đất.

  Dưới góc nhìn của một nhà nghiên cứu, theo ông cần phải làm gì để thay đổi vấn đề này?  

Có thể thấy, nhìn vào PAPI là toàn cảnh người dân Việt Nam khá thoải mái để giúp hành vận hành mềm mại bộ máy công quyền bằng việc đưa phong bì để giải quyết nhanh chóng công việc. Tình trạng này đã diễn ra qua nhiều năm và hiện nay người dân không còn thấy khó chịu hay kêu ca về vấn đề này mà coi đây là một cách tốt để hài hòa công việc của mình. Người dân nói đây là khoản “bồi dưỡng cho cán bộ” bởi thu nhập của người làm công ăn lương còn thấp.

Như vậy xã hội Việt Nam ở góc độ này đã bị tha hóa từ một mô hình bình thường sang một mô hình dị dạng, ở đó người dân quan niệm phong bì là dầu để bôi trơn bộ máy hoạt động. Do đó nếu cấm không “đổ dầu” vào “máy” là một giải pháp tiêu cực, thậm chí sẽ làm cháy máy. Giải pháp cần thiết ở đây là ở tầm vĩ mô: Tăng lương, giảm giờ công, niêm yết công khai minh bạch các chính sách, quy định. Nói một cách hình ảnh, đơn thuốc cho bệnh tham nhũng vặt là tăng sức đề kháng chứ không chỉ là uống thuốc.

Tuy nhiên cũng cần phải khẳng định rằng, quá trình chữa bệnh này là một hành trình dài và khó khăn. Ví dụ như tham nhũng trong lĩnh vực giáo dục, không thể nói nguyên nhân là do người thầy hoặc là do đồng lương trong ngành giáo dục mà nguyên nhân ở đây là cả hệ thống, do đó để khắc phục tham nhũng trong vấn đề này hay trong tất cả lĩnh vực khác đều cần một khoảng thời gian.

  Với kết quả của PAPI hàng năm, ông có thông điệp gì gửi tới các cơ quan, bộ ngành Nhà nước?  

Chúng tôi thực hiện PAPI giống như công việc chụp lại bức ảnh toàn cảnh về đất nước dưới con mắt của người dân, từ đó mỗi bộ ngành có thể thấy điểm yếu, chưa tốt của mình để nghiên cứu đưa ra giải pháp phù hợp. PAPI sẽ được thực hiện hàng năm theo những tiêu chí định sẵn để có sự so sánh sau mỗi năm.

  Xin cảm ơn ông!  

 Hồ Huệ (thực hiện)  


No comments:

Post a Comment