Wednesday, May 29, 2013

Nâng cao hiệu quả hoạt động đầu tư công

 Sáng nay (23/5), Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội– ông Phan Trung Lý đã trình bày tờ trình về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2014; điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2013 của Quốc hội. 

 CôngThương - Đáng chú ý, trong các dự án luật đề nghị đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014, Luật Đầu tư công được đánh giá có vai trò đặc biệt quan trọng đối với nền kinh tế.

 Đầu tư dàn trải khá phổ biến 

Theo báo cáo của Chính phủ, giai đoạn 2001-2010, tổng mức đầu tư toàn xã hội liên tục tăng và duy trì ở mức cao. Tỷ trọng vốn đầu tư toàn xã hội so với GDP đã tăng từ 35,4% năm 2001 lên khoảng 41% năm 2010. Trong đó, bình quân giai đoạn 2001-2005 là 39,1%, giai đoạn 2006-2010 khoảng 42,7%. Tính chung cả giai đoạn 2001-2010, tổng đầu tư xã hội bình quân đạt 41,9% GDP, cao hơn so với mục tiêu đề ra và cao hơn so với mức 30,7% GDP giai đoạn 1991-2000.

Đầu tư từ nguồn vốn nhà nước có một vị trí quan trọng, bình quân giai đoạn 2001-2010, chiếm 46,3% tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội. Phần vốn nhà nước (chỉ tính phần ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ), chủ yếu đầu tư vào các dự án, chương trình mục tiêu quốc gia thuộc các lĩnh vực phục vụ công ích. Giai đoạn năm 2011-2015, dự kiến tỷ trọng phần vốn đầu tư này khoảng 22%, thấp hơn giai đoạn 2006-2010.

Mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định với sự nỗ lực của các cơ quan liên quan đồng thời Quốc hội và Chính phủ đã quan tâm và chỉ đạo rất sát sao, nhưng tình trạng đầu tư dàn trải, kéo dài, hiệu quả thấp còn khá phổ biến.

Về các quy định trong việc quản lý đầu tư sử dụng vốn nhà nước được quy định chủ yếu tại các văn bản dưới luật như: Nghị định số 52/1999/NĐ-CP về việc ban hành quy chế quản lý đầu tư và xây dựng; Nghị định số 12/2009/NĐ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình; Quyết định số 135/2009/QĐ-TTg về ban hành quy chế quản lý, điều hành thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia… Các văn bản quy phạm pháp luật nêu trên đã dần hình thành hệ thống pháp luật quản lý đầu tư công và đã có đóng góp nhất định trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, những văn bản nêu trên chưa đáp ứng toàn diện trong lĩnh vực quản lý đầu tư công và còn nhiều bất cập. Cụ thể: Các quy định hiện hành về quản lý đầu tư công được đề cập ở nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau, có sự mâu thuẫn, chồng chéo, không đầy đủ, thiếu cụ thể và sửa đổi chắp vá, gây khó khăn cho việc áp dụng và thi hành. Chưa có quy định hoặc quy định không rõ về yêu cầu, nội dung cần quản lý trong quá trình đầu tư công như: Quy hoạch, kế hoạch, chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án, theo dõi, kiểm tra và đánh giá dự án, quản lý và sử dụng vốn đầu tư, vận hành dự án.

Để khắc phục những tồn tại nêu trên cần một văn bản luật thống nhất, có cơ sở pháp lý cao hơn để điều chỉnh toàn bộ các hoạt động đầu tư sử dụng vốn nhà nước một cách có hiệu quả và phù hợp với yêu cầu cải cách hành chính hiện nay. Do đó, việc sớm ban hành Luật Đầu tư công là cần thiết.

 Hoàn thiện chính sách 

Luật Đầu tư công tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý sử dụng vốn nhà nước đối với toàn bộ quá trình đầu tư, từ khâu quyết định chủ trương đầu tư, chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư đến quá trình quản lý khai thác, vận hành dự án. Góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư từ nguồn vốn nhà nước theo định hướng phù hợp với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế; chống thất thoát, lãng phí, dàn trải và đảm bảo tính minh bạch, công khai trong hoạt động đầu tư; kịp thời bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật về đầu tư công phù hợp với thông lệ quốc tế cũng như các cam kết của Việt Nam trong khuôn khổ các hiệp định song phương, khu vực và đa phương.

Đặc biệt, luật ra đời sẽ hoàn thiện chính sách đầu tư công phù hợp với chủ trương tái cấu trúc nền kinh tế nói chung và chủ trương tái cơ cấu đầu tư mà trọng tâm là tái cơ cấu đầu tư công nói riêng.

Trong nội dung luật, về dự án đầu tư công, luật quy định về lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đầu tư công; quy định có tính nguyên tắc các nội dung chính cần thực hiện. Giai đoạn tổ chức vận hành, khai thác dự án: Quy định nguyên tắc là sẽ thực hiện theo Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước và các luật liên quan khác.

Nhà nước xây dựng, ban hành và hướng dẫn thực thi pháp luật, chính sách về đầu tư công; giải quyết các vướng mắc; kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về đầu tư công; giải quyết khiếu nại, tố cáo của các tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động đầu tư công…

Trong phiên họp sáng nay, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết: Tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIII đã phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ chức vụ Bộ trưởng Bộ Tài chính đối với ông Vương Đình Huệ. Theo yêu cầu công tác, ông Vương Đình Huệ được phân công đảm nhiệm nhiệm vụ khác. Vì vậy, để kiện toàn nhân sự Chính phủ, theo chương trình đã được Quốc hội quyết định, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng chính phủ về việc miễn nhiệm đối với ông Vương Đình Huệ và phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ Tài chính mới. Ngay sau đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đọc Tờ trình Quốc hội về việc miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Tài chính đối với ông Vương Đình Huệ.

Nguyễn Hải

PHẢN HỒI

Gửi bình luận


No comments:

Post a Comment