Wednesday, May 29, 2013

Ai giám sát xe dừng, đỗ bắt khách dọc đường?

 Có nên cắm biển dừng đỗ đón trả khách, nếu có thì như thế nào, sổ Nhật trình nên để hay nên bỏ là những vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm tại Hội nghị lấy ý kiến đóng góp nội dung dự thảo Thông tư 14 quy định tổ chức quản lý hoạt động vận tải bằng ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ. 

  

 Điểm dừng đỗ:Cần nhưng phải hợp lý 

Xung quanh vấn đề cắm biển dừng, đỗ đón trả khách, đại diện Hiệp hội Vận tải ô tô Yên Bái cho rằng từ trước đến nay, lực lượng CSGT cũng như các cơ quan chức năng suốt ngày “ra rả” phải dừng đón trả khách theo quy định nhưng quy định là chỗ nào thì không ai rõ.

Khách lên xuống không đúng điểm dừng quy định
đối mặt với nhiều nguy cơ mất an toàn

 Ông Nguyễn Văn Quyền - Phó Tổng cục trưởngTổng cục ĐBVN:Sẽ quy địnhcác tiêu chí về điểm dừng đỗ 

Tổng cục ĐBVN vừa báo cáo Bộ GTVT đề xuất về các tiêu chí xác định điểm dừng đỗ xe dọc đường cho xe khách chạy tuyến cố định.

Việc cắm biển cho phép xe khách dừng đón trả khách dọc đường xuất phát từ nhu cầu thực tế của người dân các địa phương. Đồng thời chính là giải pháp nhằm chấn chỉnh lại việc các xe khách dừng đỗ quá tùy tiện dọc đường, vừa chạy vừa chèo kéo khách lên xe, gây mất TTATGT.

Điểm dừng đỗ sẽ được xác định dựa trên các tiêu chí như: Đảm bảo ATGT, kết nối tốt với mạng lưới giao thông địa phương, phù hợp thói quen đi lại của người dân địa phương... và số điểm dừng đỗ được xem xét phù hợp với mỗi tuyến.

Đồng thời với việc cho phép xe khách dừng đỗ đón trả khách tại các điểm quy định, cần quản lý tốt các điểm dừng này, không để trở thành các tụ điểm đông đúc nhốn nháo, gây mất TTATXH.

 Phương Anh 

Gay gắt hơn, ông Vũ Xuân Hoa - Tổng thư ký Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, nhiều trường hợp lái xe bị phạt vì dừng đỗ đón trả khách không đúng quy định, nhưng trên thực tế tuyến đường đó không cấm dừng đỗ. Lý ra lực lượng chức năng chỉ được phạt khi nào dừng đón trả khách ở những tuyến đường đã quy định mà lái xe dừng đỗ không đúng.

Đa số ý kiến từ các hiệp hội vận tải khu vực phía Bắc thống nhất quan điểm cho quy định cắm biển dừng đỗ đón trả khách là cần thiết để quản lý tốt hơn hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh. Vấn đề đặt ra là cắm thế nào, quản lý ra sao.

Ông Nguyễn Anh Dũng - Chủ tịch Hiệp hội bến xe khách nhấn mạnh: Dừng đỗ đón trả khách là vấn đề nóng, bức xúc của đơn vị vận tải. “Với xe khách, hành khách là tiền. Do đó, làm cách nào có nhiều khách thì lái xe có xu hướng làm. Cũng vì thế mà việc bố trí điểm dừng đỗ đón trả khách là đúng. Tuy nhiên, cho phép cắm biển dừng đỗ cũng có nghĩa là nghĩ ngay đến việc ai đầu tư, ai quản lý. Đấy là chưa kể sẽ tạo điều kiện cho xe dù, bến cóc, bảo kê... “Nói xe dừng 5 phút, nhưng ai quản lý, ai kiểm tra? Tuyến Hà Nội - Hải Phòng quản lý như vậy mà xã hội đen vẫn hoành hành. Có cơ hội kiếm tiền là sẽ có “cao bồi thôn, đầu gấu” bảo kê ngay. Thậm chí có thể lái xe sẽ đặt hàng luôn một khách là bao nhiêu tiền” - ông Dũng đặt vấn đề.

Cuối cùng, ông Dũng cũng bày tỏ quan điểm tại các thành phố lớn có tổ chức xe buýt, đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân thì không nên cắm biển dừng đỗ trong nội đô. “Biển báo xe buýt đã dày đặc, giờ thêm biển dừng, đỗ của xe khách liên tỉnh thì giao thông sẽ rối loạn, ách tắc sẽ lại xảy ra” - ông Dũng khẳng định.

Bổ sung ý kiến của ông Dũng, ông Hoa cho rằng biển dừng, đỗ nên đặt ở khu dân cư, nơi có khách và phải đảm bảo ATGT chứ cắm ở đồng không mông quạnh, nắng nôi thì vô tác dụng.

 Sổ Nhật trình,có cũng như không 

Theo Quy định tại Dự thảo Thông tư quy định tổ chức quản lý hoạt động vận tải bằng ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ đang được Bộ GTVT soạn thảo, các tuyến vận tải hành khách cố định tổ chức xây dựng các điểm dừng đón, trả khách bên ngoài phần đường xe chạy của xe cơ giới, xe thô sơ và có đủ diện tích để bố trí tối thiểu là 1 vị trí dừng đón, trả khách cho phương tiện ra, vào điểm dừng đón, trả khách; đủ diện tích để hành khách lên xuống và diện tích để hành khách đứng chờ; có lối đi bộ để hành khách tiếp cận điểm dừng đón, trả khách và đèn chiếu sáng nếu có hoạt động đón, trả khách vào ban đêm.

Nhấn mạnh sổ Nhật trình hiện tại hoàn toàn không có giá trị thông tin, ông Nguyễn Đức Mạnh - Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Điện Biên cho rằng giữ lại cũng chỉ là hình thức.

Đồng quan điểm trên, đại diện Hiệp hội vận tải ô tô Thanh Hóa cho rằng sổ Nhật trình có giữ lại cũng không giải quyết vấn đề gì. Thay vào đó, ông này đề nghị thay bằng lệnh vận chuyển.

Đại diện Công ty Quản lý bến xe Hà Nội cũng cho rằng có sổ Nhật trình thực chất chỉ là thêm một thủ tục hành chính. Ông này cũng thừa nhận việc kiểm tra, đóng dấu hiện tại đang chỉ... làm cho có lệ.

 Ngân Anh 

 Phải phục vụ nhu cầu đi lại của dân 

 Đây là khẳng định của ông Khuất Việt Hùng, Quyền Vụ trưởng Vụ Vận tải - Bộ GTVT trong cuộc trao đổi với PV Báo GTVT xung quanh vấn đề cắm biển dừng đỗ đón trả khách. 

 Lo ngại việc cắm biển dừng đỗ trong nội đô sẽ gây rối loạn, ách tắc giao thông, nhất là khi nhiều thành phố lớn như Hà Nội và TPHCM đã dày đặc các biển dừng đỗ xe buýt, nhiều ý kiến cho rằng chỉ nên cắm biển dừng đỗ dọc các tuyến quốc lộ. Ông có thể cho biết quan điểm về vấn đề này? 

Thực tế thì trong Dự thảo Thông tư của Bộ, chúng tôi chỉ đưa những quy định mang tính khung còn các địa phương sẽ tổ chức triển khai. Ví dụ như, chỉ quy định về khoảng cách tối thiểu giữa 2 điểm dừng đỗ đón trả khách liên tiếp hay là giữa điểm dừng đón trả khách với bến xe hoặc với trạm dừng nghỉ... Còn tùy từng địa phương sẽ có quy hoạch cụ thể.

Nếu địa phương thấy vận tải hành khách công cộng của họ đã rất tốt, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân, không cần phải đón trả khách trong nội thành nữa thì địa phương sẽ quyết định điều này.

 Với ý kiến cho rằng việc cắm điểm dừng đỗ vô hình trung có thể tạo điều kiện cho việc mất trật tự xã hội, bảo kê, xã hội đen, thậm chí là hình thành xe dù, bến cóc. Ông nghĩ như thế nào về điều này? 

Chúng ta phải khẳng định là nhu cầu của người dân là có thật. Chẳng hạn như với tuyến Hà Nội - Hải Phòng, rất nhiều người dân ở các làng, xã, thị tứ dọc QL5 có nhu cầu đi Hải Phòng, nếu không cắm biển dừng, đỗ đón trả khách thì người ta sẽ phải đi về Hà Nội mới lên được xe đi Hải Phòng. Từ thực tiễn khai thác cũng như từ nhu cầu thực tế của nhân dân, phát sinh việc hiện nay các phương tiện đang dừng đón trả khách dọc đường trái phép, do đó Nhà nước phải đưa ra quy định, thứ nhất là để phục vụ tốt nhất nhu cầu đi lại của người dân; thứ hai là đưa tất cả hoạt động đó vào quy củ, có cơ quan chịu trách nhiệm quản lý về tổ chức giao thông, trật tự an toàn và an ninh công cộng, tránh xảy hiện tượng bảo kê, xã hội đen... Trong Dự thảo chúng tôi đã quy định rõ UBND sẽ phân công cơ quan chức năng thực hiện tổ chức giao thông và đảm bảo an toàn, an ninh.

 Tâm lý của nhiều người dân là tiện đâu bắt xe đấy. Theo ông, liệu người dân có đến các điểm dừng đỗ đã cắm biển hay vẫn tiếp tục vẫy xe dọc đường? 

Thực tế khi xây dựng những điểm dừng đỗ, chắc chắn các địa phương phải căn cứ vào điểm phát sinh thu hút nhu cầu để lập ra những vị trí chứ không phải cắm theo chủ quan. Ngày trước xe buýt Hà Nội cũng thế, trước 2001, xe buýt dừng lung tung. Khi chúng tôi đưa ra phương án là xe buýt phải dừng đúng điểm đón trả khách, cũng có những cán bộ kỳ cựu trong hoạt động xe buýt cho rằng như thế gây bất tiện cho người dân. Thực tế là nếu chúng ta quy định hợp lý, người dân sẽ chấp nhận.

Phải nói rằng, rất nhiều nước đã quy định về các điểm dừng đỗ dọc tuyến. Muốn quản lý vận tải hành khách liên tỉnh, không có cách nào khác là phải cắm biển dừng đỗ đón trả khách dọc đường. Thực tiễn ở Việt Nam, phương tiện đã đến các điểm dừng nghỉ và hành khách đến đó để bắt xe.

Cuối cùng, tôi phải nhấn mạnh rằng, việc chọn điểm dừng đỗ ở vị trí nào rất quan trọng. Ngoài việc phải đáp ứng quy định khoảng cách tối thiểu của Dự thảo thì việc lựa chọn đúng điểm mà người dân có nhu cầu sẽ giúp phát huy rõ rệt hiệu quả của điểm dừng đỗ.

 Cảm ơn ông! 

 Thanh Bình (Thực hiện)


No comments:

Post a Comment