Wednesday, June 5, 2013

Cần đảm bảo “quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân”

 (Dân Việt) - Bởi thực tế người dân - người chủ của quyền lực nhà nước đang gặp rất nhiều khó khăn, phiền hà trong các việc như khám chữa bệnh, học hành, xin việc, trong việc giải quyết các thủ tục hành chính... 

Thống nhất với quy định nêu trong Điều 2 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là “Quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức”, tuy nhiên ĐB Trương Thị Huệ (Thái Nguyên) vẫn băn khoăn là làm thế nào để hiến định này đi vào cuộc sống mới là điều mà người dân mong muốn.

Bởi thực tế người dân - người chủ của quyền lực nhà nước đang gặp rất nhiều khó khăn, phiền hà trong các việc như khám chữa bệnh, học hành, xin việc, trong việc giải quyết các thủ tục hành chính, trong việc được giải quyết khiếu nại, tố cáo đúng thời hạn... Những việc nêu trên, người dân đến để được giải quyết thì rất nhiều trường hợp phải như đi xin, đi nhờ vả, thậm chí phải phong bì mới được giải quyết. Như vậy quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân đang bị hạn chế, đang bị một số tổ chức và cá nhân làm ngược lại. “Vì vậy, tôi bổ sung một ý tiếp theo Khoản 3, Điều 2 là “tất cả các hành vi vi phạm quyền làm chủ của nhân dân phải được xử lý nghiêm minh trước pháp luật” - ĐB Huệ đề nghị.

ĐB Phạm Đức Châu (Quảng Trị) cũng cho rằng, việc bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp quy định “quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân” là điều đã được quy định trong các bản Hiến pháp 1946, 1959, 1980 của nước ta cũng như rất nhiều Hiến pháp của các nước trên thế giới. “Vẫn biết quyền lực nhà nước là một bộ phận quan trọng của quyền lực chính trị mà thực chất là nhân dân trao cho nhà nước thực hiện nhưng không bao quát hết và không khẳng định hết trong một đất nước với thể chế dân chủ, đương nhiên mọi quyền lực hay quyền bính thuộc về nhân dân. Kính đề nghị Ban dự thảo giải thích thêm tại sao ở nước ta chỉ có “quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân” mà không phải là “tất cả quyền lực thuộc về nhân dân”?”.

Từ góc nhìn không đồng tình với việc bỏ tổ chức HĐND cấp quận, huyện, phường, xã vì như vậy vô hình trung đã “đánh mất sự giám sát và quyền làm chủ ở cơ sở của nhân dân”, ĐB Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) đề nghị, để Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước của dân, do dân và vì dân, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, không cắt bỏ thiết chế làm chủ của nhân dân, cần xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước, đảm bảo cho HĐND các cấp hoạt động có hiệu quả, thực chất, thực quyền, thực hiện đầy đủ vai trò cơ quan đại diện của dân, cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, cơ quan đại diện cho tiếng nói của nhân dân địa phương, là nơi đảm bảo và phát huy quyền làm chủ của nhân dân.

ĐB Huỳnh Nghĩa chốt lại vấn đề: “HĐND mạnh thì nhân dân mới có chỗ dựa vững chắc và HĐND cũng phát huy được quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân ngày càng được bảo đảm”.

Kiều Minh


Nguồn: danviet.vn

Link: http://danviet.vn/140931p1c24/can-dam-bao-quyen-luc-nha-nuoc-thuoc-ve-nhan-dan.htm

No comments:

Post a Comment